Yên Bái nâng cao chất lượng rừng kinh tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/11/2017 | 8:13:56 AM

YBĐT -  Đến trung tuần tháng 11/2017, Yên Bái đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm.

Cán bộ, chiến sỹ ngành kiểm lâm Yên Bái cùng nhân dân trồng rừng vụ xuân.
Cán bộ, chiến sỹ ngành kiểm lâm Yên Bái cùng nhân dân trồng rừng vụ xuân.

Bước vào thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2017, người trồng rừng, các chủ rừng, các công ty lâm nghiệp gặp muôn vàn khó khăn: giá vật tư phân bón tăng cao, nguồn giống tiến bộ và chất lượng khan hiếm, thời tiết vụ xuân nắng nóng, khô hạn... Song, với sự chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, sự nỗ lực của người dân, các thành phần kinh tế, đến trung tuần tháng 11 Yên Bái đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm.

Ông Kiều Tư Giang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng phấn khởi nói: "Khi thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2017 với hàng loạt khó khăn, chúng tôi cũng không kỳ vọng hoàn thành kế hoạch sớm. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành nông nghiệp, các huyện thị, thành phố, đặc biệt là sự nỗ lực của các doanh nghiệp, ban quản lý rừng và nông dân nên đã cơ bản hoàn thành kế hoạch trồng rừng cả năm. Một số huyện như: Yên Bình, Trấn Yên đã hoàn thành trồng rừng từ tháng 9, tháng 10. Không chỉ về đích sớm mà chất lượng rừng trồng khá tốt, cơ bản diện tích rừng kinh tế được trồng bằng những giống cây tiến bộ, đáp ứng nhu cầu thị trường".
 
Tính đến 15/11/2017, toàn tỉnh đã trồng được 14.031,8 ha, đạt 93,5% kế hoạch năm, trong đó, 10.452,5 ha rừng trồng sản xuất tập trung (keo hạt ngoại 55 ha; keo hạt nội 3.112,3 ha; keo hom, keo lai 113,0 ha; bạch đàn 388,5 ha; quế 4.188,6 ha; bồ đề 772,8 ha; mỡ, xoan 135,7 ha; tre măng Bát độ 784,6 ha; mai, luồng 32,9 ha; sơn tra 568,0 ha; cây lâm nghiệp khác 301,1 ha); diện tích rừng trồng mới là 1.215 ha, còn lại rừng trồng sau khai thác là 9.203,5 ha; trồng sơn tra dưới tán rừng tự nhiên phòng hộ nghèo kiệt 600 ha; cây trồng phân tán trên 4.538.992 cây, tương đương 2.861,2 ha...

Đạt được kết quả đó, trước tiên là sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh, đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng bằng những loài cây trồng có chất lượng (cây giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng) đã tạo đòn bẩy kích thích các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng thông qua 3 đề án phát triển cây lâm nghiệp, gồm: quế, tre măng Bát độ và sơn tra. Nhận thức của người dân trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng có chuyển biến tích cực, nhân dân đã quan tâm đầu tư trồng rừng bằng các loài cây có năng suất, chất lượng cao.

Phấn khởi hơn là nhân dân các dân tộc trong tỉnh từ vùng thấp đến vùng cao đều hăng hái lên đồi, lên núi vỡ đất trồng rừng. Nhân dân các huyện như: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên thì trồng rừng, phát triển rừng đã trở thành một nghề và là nguồn thu nhập chính. Nhờ trồng rừng, phát triển nghề rừng mà kinh tế người dân đã khá giả hơn góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
 
Toàn tỉnh đã khai thác và tiêu thụ được 345.398 m3 gỗ rừng trồng các loại, trong đó các hộ khai thác được 334.049 m3 gỗ các loại, trên 56.258 tấn tre, nứa, vầu. Ngoài ra, khai thác và tiêu thụ 44.021 tấn măng các loại; 10.825 tấn vỏ quế tươi và 251,2 tấn tinh dầu quế; 6.030 tấn lâm sản phụ khác. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.700 tỷ đồng, chiếm 28% trong cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp toàn tỉnh.

Hiệu quả kinh tế đồi rừng được phát huy, người dân càng thêm gắn bó, yêu rừng hơn; chú trọng từ khâu làm đất, bỏ phân đến chọn giống, tỉa thưa, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng rất bài bản, khoa học. Cùng với phát triển vốn rừng, bảo vệ rừng cũng được quan tâm. Các đơn vị chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch, tổ chức giao khoán quản lý, bảo vệ 203.434,4 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên sản xuất.
 
Trong đó, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng tổ chức giao khoán bảo vệ và khoanh nuôi được 147.990,8 ha rừng phòng hộ, đặc dụng. Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã bảo vệ tốt 4.609,8 ha rừng tự nhiên sản xuất. UBND các xã, thị trấn đã thực hiện bảo vệ tốt 50.833,8 ha rừng tự nhiên sản xuất...

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác trồng rừng vẫn còn những tồn tại cần khắc phục là diện tích rừng trồng tre măng Bát độ bằng củ giống bị chết nên tỷ lệ cây sống chỉ đạt 20 - 30%; vốn đầu tư cho trồng, phát triển rừng, khoán bảo vệ rừng còn thấp, nguồn kinh phí cấp hàng năm thiếu ổn định và chậm tiến độ, dẫn tới chưa khuyến khích được người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng và gắn bó với rừng; tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng để canh tác, nhất là đối với rừng tự nhiên vẫn còn xảy ra; các dự án đầu tư phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay triển khai còn chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng...

Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2018, toàn tỉnh dự kiến trồng 15.000 ha rừng các loại. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất lâm nghiệp vụ xuân và cả năm 2018, các đơn vị, các cơ sở sản xuất cây giống chuẩn bị vật tư, hạt giống có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, chủ động gieo ươm ngay trong những tháng cuối năm 2017, chăm sóc tốt cây giống kịp thời phục vụ kế hoạch trồng rừng vụ xuân 2018 được thuận lợi.
 
Ban quản lý dự án bảo vệ và phát triển rừng các huyện sau khi giao kế hoạch, cần tập trung cán bộ kỹ thuật, chủ động xây dựng kế hoạch đăng ký trồng rừng sản xuất ngay từ tháng 12/2017 để chủ động trong việc sản xuất cây giống, chuẩn bị đất, hồ sơ có liên quan và tổ chức trồng rừng tập trung trong vụ xuân đối với các huyện vùng thấp, vùng ngoài của huyện Văn Chấn.
 
Thanh Phúc

Các tin khác

YBĐT - Theo kết quả kiểm tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật từ tháng 9 trở lại đây, toàn tỉnh có trên 220 ha bồ đề bị nhiễm sâu bệnh tại huyện Văn Chấn, Văn Yên và Trấn Yên. Trong đó, nhiễm nhẹ 143 ha, nhiễm ở mức trung bình 56 ha và 21 ha nhiễm nặng. Tỷ lệ lá cây bị hại trung bình từ 15 – 30%, cục bộ có nơi sâu ăn trụi lá tới 60 – 80%.

Ảnh minh họa

Nhiều công ty nhận vận chuyển, nhận order hàng về Việt Nam cho biết vẫn "lụt” đơn hàng bởi quá tải.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mông Sơn.

YBĐT - Sáng 25/11, huyện Yên Bình đã tổ chức Lễ công bố quyết định của UBND tỉnh công nhận xã Mông Sơn, huyện Yên Bình đạt chuẩn nông thôn mới.

Quang cảnh Hội nghị.

YBĐT - Chiều 24/11, tại huyện Trạm Tấu, đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) vụ khô hanh 2016 - 2017, triển khai nhiệm vụ 2017 – 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục