Văn Chấn: Thêm ngọt những mùa cam

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/12/2017 | 8:06:36 AM

YBĐT - Thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả có múi, huyện sẽ hỗ trợ các xã, thị trấn vùng ngoài mở rộng, trồng mới 1.455 ha cam, quýt, tiến tới hình thành vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi toàn huyện với tổng diện tích trên 2.500 ha.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thông ở khu 8, thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) thu hoạch cam.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thông ở khu 8, thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) thu hoạch cam.

Thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn thời điểm này cam bắt đầu chín rộ, vàng rực trên khắp các triền đồi. Anh Phí Văn Hiếu ở tổ dân phố 7 tuy mới ngoài 30 tuổi nhưng đã sở hữu hơn 3 ha cam các loại. Dự kiến, vụ cam năm nay, anh sẽ thu hoạch hơn 13 tấn quả, thu về gần 150 triệu đồng. 

Vào đầu năm nay, gia đình anh Hiếu vừa đầu tư trồng mới 1,7 ha cam CS1, Đường canh, cam V2 theo Đề án Phát triển cây ăn quả có múi. Quỹ đất của gia đình đã hết nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây cam và được Đề án hỗ trợ nên vợ chồng anh Hiếu đã mạnh dạn vay vốn để mua lại diện tích đất rừng của gia đình bên cạnh để trồng cam.
 
Anh Hiếu chia sẻ: "Bây giờ, vườn cam nhà tôi có hơn 3 ha liền khoảnh nên việc trồng, chăm sóc và vận chuyển sau thu hoạch dễ dàng hơn rất nhiều. Những hộ trồng cam như chúng tôi đều rất phấn khởi. So với số vốn đầu tư ban đầu thì số tiền hỗ trợ cây giống là 20 triệu đồng/ha tuy không nhiều nhưng là sự động viên chúng tôi tiếp tục đầu tư phát triển cây cam”.

Cũng giống như gia đình anh Hiếu, những hộ trồng cam ở 9 xã, thị trấn vùng ngoài của huyện nằm trong vùng Đề án Phát triển cây ăn quả có múi đều hết sức vui mừng, phấn khởi. Sự hưởng ứng của bà con được thể hiện ở diện tích cam trồng mới mỗi năm đều vượt so với kế hoạch đề ra. Chỉ riêng xã Cát Thịnh, năm 2017 này, được huyện giao trồng mới 30 ha nhưng diện tích mà nhân dân đăng ký đã lên tới gần 50 ha.
 
Ông Sa Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh khẳng định: "Chính việc quy hoạch, phát triển chuyên canh diện tích trồng cây ăn quả có múi, vận động người dân hướng tới quy trình sản xuất an toàn đã giúp cam quýt của huyện Văn Chấn ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường”.

Thực hiện Đề án Phát triển cây ăn quả có múi, huyện sẽ hỗ trợ các xã, thị trấn vùng ngoài mở rộng, trồng mới 1.455 ha cam, quýt, tiến tới hình thành vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi toàn huyện với tổng diện tích trên 2.500 ha. Quan trọng nhất là hướng đến mục tiêu nâng sản lượng quả tươi lên 15.000 - 20.000 tấn, tổng thu nhập đạt 300 tỷ đồng/năm.
 
Sau 2 năm triển khai, diện tích cam trồng mới đã đạt gần 400 ha, hết tháng 11/2017, nhân dân đã đăng ký và làm đất, chờ nghiệm thu thêm gần 200 ha. Đối với diện tích này, huyện đang kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét để tiếp tục hỗ trợ bà con về cây giống, động viên các hộ trồng cam tiếp tục đầu tư trồng và chăm sóc cam, quýt.
 
Song song với việc phát triển các diện tích cam, huyện cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng vườn ươm cây giống tại tổ dân phố Trung Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú với quy mô trên 3.000 m2 do Tổ hợp tác Sản xuất cây giống thị trấn Nông trường Trần Phú với 5 thành viên là 5 hộ trồng cam có kinh nghiệm trong việc ươm giống cam trực tiếp ươm hạt và ghép mắt.
 
Hiện nay, vườn ươm đã hoàn tất việc lựa chọn 50 cây mẹ ở các giống cam như: CS1, Đường canh, V2… Dự kiến vào năm 2018, vườn ươm sẽ cung cấp trên 50.000 cây giống các loại phục vụ nhu cầu tại chỗ cho bà con.
 

Niềm vui được mùa cam chín sớm của người trồng cam Văn Chấn.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: "Cùng với việc triển khai Đề án Phát triển cây ăn quả có múi, để nâng tầm giá trị của cam Văn Chấn, huyện cũng tích cực vận động người trồng cam tiếp tục đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, phát huy nhãn hiệu hàng hóa cam Văn Chấn”.
 
Huyện Văn Chấn cũng xác định, các địa phương cần định hướng bà con cần sản xuất cam theo hướng rải vụ, đưa các giống cam chín sớm như: CS1, chín muộn như V2 vào trồng để kéo dài thời vụ thu hoạch lên khoảng 5 - 6 tháng. Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế từ cây cam, làm đa dạng hóa sản phẩm cam và tránh sức ép về giá, tăng hiệu quả sản xuất.

Đề án Phát triển cây ăn quả có múi được triển khai thực hiện đã phần nào khẳng định hiệu quả trong việc xây dựng vùng chuyên canh cam, góp phần giúp cam Văn Chấn nâng lên một tầm mới về giá trị cũng như hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, nhãn hiệu cam Văn Chấn được công nhận cũng mở ra cơ hội mới để người dân yên tâm phát triển vùng cây ăn quả, nâng cao thu nhập làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thanh Hà – Phan Tuấn (Đài TT-TH Văn Chấn)

Các tin khác
Cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh giới thiệu hàng thật, hàng giả cho người dân nhận biết.

YBĐT - Vừa qua, tại Hội chợ Công thương Khu vực Tây Bắc - Yên Bái 2017, có một gian hàng đặc biệt, bởi hàng hóa chỉ để trưng bày chứ không mua - bán, đó là gian hàng trưng bày hàng thật, hàng giả của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Trạm Kiểm lâm Bản Dõng, huyện Văn Chấn hiện đang quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa bàn 10 xã vùng thượng huyện Văn Chấn với trên 23.000 ha rừng các loại.

YBĐT - Để chủ động phòng chống đói, rét bảo vệ an toàn cho đàn trâu, bò, người chăn nuôi cần thực hiện tốt một số biện pháp kỹ thuật như sau:

YBĐT - Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư với mục tiêu phấn đấu: tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp bình quân đạt 15,5%/năm; giá trị đến năm 2020 đạt 700 tỷ đồng. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục