Từ đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, cũng như giúp đỡ các hộ nghèo trong xã phát triển kinh tế. Đời sống của người dân ngày càng khởi sắc, số hộ khá giàu tăng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình bà Dương Thị Lan, thôn Bản Tại, xã Tân Lập là một điển hình. Năm 1990, gia đình bà Lan được bố mẹ cho ra ở riêng, tài sản chỉ có một ngôi nhà dựng tạm, 8 sào ruộng và vài con lợn, gà. Thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, lợn gà hay bị dịch bệnh, năng suất lúa thấp, kinh tế gia đình bà Lan rất khó khăn.
Quyết không nản chí bà Lan đã cất công đi thăm quan, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ chăn nuôi lớn ở tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, mua sách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi về tìm hiểu. Đồng thời, bà cũng vay thêm vốn để mua máy xay xát và mở rộng dần diện tích chuồng trại chăn nuôi, mua thêm những con giống có chất lượng về nuôi và nhân đàn.
Nhờ có con giống tốt lại áp dụng đúng kỹ thuật, đàn lợn, gà của gia đình bà Lan phát triển tốt, đem nguồn thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng. Năm 2.000 bằng nguồn vốn tự tích lũy bà Lan tiếp tục mua trâu, bò, dê về nuôi. Cùng với việc nghiên cứu kỹ thị trường trong xã và các xã lân cận chưa có hộ nào kinh doanh dịch vụ phục vụ đám cưới như: bàn ghế, phông bạt, bát đĩa, bà Lan lại mua sắm đồ đạc và học cách kinh doanh. Bà cũng mở cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và một cửa hàng phục vụ ăn uống, tạo công ăn việc làm cho các con gái, con dâu. Bằng sự năng động, dám nghĩ dám làm hiện tại gia đình bà Lan đã có mô hình kinh tế tổng hợp với thu nhập ngót 1 tỷ đồng mỗi năm.
Vươn lên thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng, bà Lan thấu hiểu những khó khăn vất vả, thiếu thốn của bà con trong thôn, trong xã mình, nên giúp được ai là bà giúp ngay. Nhiều hội viên nghèo trong xã đã được bà cho vay vốn với lãi suất thấp, vay con giống, thức ăn chăn nuôi, cho nuôi rẽ trâu, bò. Bà Lan còn sẵn sàng phổ biến những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân trong sản xuất, kinh doanh cho các hộ có nhu cầu; tạo việc làm cho 10 con, em gia đình lân cận với mức thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. Bà Lan chia sẻ: "Mình muốn giúp đỡ những hộ nghèo để họ có vốn, có con giống phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”. Với những kết quả ấy trong sản xuất kinh doanh, nhiều năm liền bà Lan được công nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và đặc biệt năm 2017 bà là hội viên duy nhất của tỉnh được nhận danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương.
Không chỉ có bà Lan, nhiều hội viên nông dân ở xã Tân Lập đang đẩy mạnh thi đua sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình. Những mô hình phát triển kinh tế có thu nhập cao thường được người dân trong xã nhắc đến như: mô hình nuôi thỏ của gia đình bà Phùng Thị Tuyển, thôn Bản Hạ, chuyển từ mô hình chăn nuôi lợn kém hiệu quả sang chăn nuôi thỏ, thu nhập gần 100 triệu đồng một năm; mô hình nuôi cá bỗng của gia đình ông Hứa Thành Đồng, thôn Bản Tại, được chuyển đổi từ diện tích ruộng kém hiệu quả sang nuôi cá, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng; mô hình trồng cây ăn quả có múi của ông Nguyễn Văn Liên, mô hình ươm cây giống của ông Đào Kim Cương, thôn São; mô hình trồng chanh tứ thời của ông Nguyễn Văn Kim...
Từ việc dám nghĩ, dám làm, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt, từ Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững" nhiều hội viên nông dân xã Tân Lập đã xóa được đói nghèo vươn lên làm giàu. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình những nông dân tiên phong trong phát triển kinh tế này còn luôn sẵn sàng chia sẻ trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ vốn vay cho những hộ có nhu cầu phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay toàn xã Tân Lập có trên 250 hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở, mỗi năm toàn xã đã có 7 - 8 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Minh Huyền