Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên Khổng Giang Lam phấn khởi : "Cái được lớn nhất sau hơn hai năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM ở Văn Yên là có sự chuyển dịch, thay đổi cơ cấu kinh tế rõ nét. Các đề án tái cơ cấu ngành với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đã tạo động lực quan trọng để phát triển ngành nông nghiệp trên địa bàn. Tập quán canh tác đã có sự thay đổi, sản xuất nông, lâm nghiệp từng bước chuyển sang nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, đảm bảo an ninh lương thực; phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại, công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao như: hệ thống chuồng trại được xây dựng kép kín, cho ăn, uống tự động và có hệ thống làm mát cho khu vực chăn nuôi…; dần hình thành các mô hình theo kiểu liên kết sản xuất như: trồng rau sạch, khoai tây, hành lá, húng quế, gừng công nghệ cao…”.
Thông qua các hoạt động đối thoại chính sách, đầu tư vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu huyện đã nhận được một số sự quan tâm của các công ty, tập đoàn kinh tế hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp theo hướng bền vững.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân nhận thức được sự cần thiết, mục tiêu của chủ trương tái cơ cấu dựa trên phương châm "hợp tác, liên kết và thị trường”. Từ đó, dần hình thành các mô hình hợp tác, một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác tham gia đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Qua thực hiện đề án đã góp phần tạo được việc làm cho lao động thường xuyên vào mùa vụ; khi triển khai tổ chức những buổi tập huấn, hội thảo lồng ghép tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ đó, góp phần tăng nhận thức của nông dân trong việc chấp hành, thực hiện. Nông dân trong mô hình đã cùng nhau bàn bạc tìm ra đầu ra cho sản phẩm, tìm nhiều đối tác trong và ngoài tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần làm tiền đề cho những năm tiếp theo. Không chỉ có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, trình độ thâm canh mà Văn Yên còn có một hệ thống hạ tầng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Hiện nay, trên địa bàn đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa an toàn đã và đang hoạt động hiệu quả như HTX Q&C xã Đại Phác, HTX Phú Đạt xã Yên Phú, HTX Trung Thành xã Yên Hợp chuyên sản xuất rau, củ, quả an toàn; mô hình nuôi lợn gia công tại xã Yên Hưng, Đông An hay như HTX Quế Sơn, Công ty Viximex, Công ty Sơn Hà chuyên chế biến các sản phẩm quế sạch, quế hữu cơ. Mục tiêu của huyện là xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ, an toàn và liên kết sản xuất quy mô lớn theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Để sản xuất nông nghiệp ngày một phát triển, Văn Yên sẽ tiếp tục duy trì vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung 1.500 ha bằng giống Chiêm hương, vùng ngô 6.000 ha, ổn định 1.000 ha ngô trên đất hai vụ lúa, vùng nguyên liệu sắn 5.000 ha đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, bán công nghiệp quy mô trang trại, gia trại. Ổn định 40.000 ha quế và hàng năm cung ứng cho thị trường 5.000 tấn quế vỏ chất lượng và trên 300 tấn tinh dầu quế. Xây dựng mới vùng trồng cây ăn quả có múi 500 ha và vùng tre măng Bát độ trên 1 ngàn héc - ta.
Giải pháp mà Văn Yên đưa ra là, tiếp tục có những cơ chế, chính sách thông thoáng mời gọi đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, chế biến sâu các sản phẩm nông sản có thế mạnh như quế, chăn nuôi, rau màu... Huyện cam kết tạo thuận lợi nhất về cơ chế, đất đai cho nhà đầu tư đến đầu tư vào nông nghiệp nhất là đầu tư nhà máy chế biến quế, tinh dầu quế chất lượng cao xuất khẩu.
Đối với vùng tre măng Bát độ, huyện đã và đang tiếp tục cùng với Công ty cổ phần Yên Thành xây dựng vùng nguyên liệu tại các xã phía Bắc của huyện với quy mô trên 1 ngàn ha.
Vùng cây ăn quả huyện phối hợp, liên kết với Viện Cây ăn quả quy hoạch, xây dựng vùng cây ăn quả tập trung tại các xã dọc hai bên sông Hồng. Trong chăn nuôi, tiếp tục nuôi gia công đối với các hộ dân có điều kiện, xây dựng gia trại, nông trại, nuôi tập trung kết hợp xây dựng vùng thức ăn, đồng thời xây dựng khu giết mổ tập trung tại thị trấn Mậu A.
Đối với vùng sản xuất nông nghiệp tốt (tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ…) Văn Yên sẽ tạo điều kiện thích hợp về tích tụ đất đai cho doanh nghiệp, hộ gia đình, nhóm hộ hay HTX để xây dựng vùng chuyên canh lớn liền ô, liền thửa tạo điểm nhấn trong sản xuất. Song song với đó là sử dụng có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM.
Ngọc Trúc