Khởi nghiệp từ tay trắng
Chúng tôi gặp anh Trần Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hoàng Phát, thị xã Nghĩa Lộ trong buổi "Cafe doanh nhân” do UBND tỉnh tổ chức. Bên tách cafe sóng sánh, anh thân thiện, cởi mở. Tốt nghiệp Đại học Giao thông - Vận tải hệ vừa học vừa làm, anh quyết định nghỉ việc tại cơ quan Nhà nước, ra ngoài gây dựng sự nghiệp.
Năm 2005, thử sức mình trong một vai trò mới: "làm thuê” cho mình - giám đốc điều hành công ty chuyên về xây dựng cầu đường, giao thông, thủy lợi và công trình dân dụng, vốn liếng khởi nghiệp hoàn toàn vay mượn.
Thời điểm này, quyết định của anh là một sự mạnh dạn có tính toán. "Yên Bái đang tích cực đầu tư cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa. Tôi nghĩ làm về xây dựng khá thích hợp" – anh nói.
Năm 2010, khi thấy nhu cầu xây dựng ở vùng cao bắt đầu phát triển, để đưa một viên gạch từ thành phố Yên Bái hay huyện Văn Chấn lên đến các xã vùng cao phía Tây của tỉnh thì công vận chuyển đắt hơn nhiều so với giá trị sản phẩm. Thời gian này, dùng gạch không nung trong xây dựng bắt đầu trở thành xu hướng.
Những nhận định ấy của anh cùng quyết định đầu tư vào sản phẩm gạch không nung được Hội đồng Quản trị Công ty nhất trí. Thế là nhà máy sản xuất gạch không nung đầu tiên ở miền Tây Yên Bái, rộng hơn 1 héc - ta, công suất 10 triệu viên/năm trên địa bàn xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ ra đời.
Cuối năm 2014, sản phẩm đầu tiên được xuất xưởng. Sản phẩm đa dạng, chịu lực cao, đến cách âm, cách nhiệt, kích thước gấp đôi gạch tiêu chuẩn nhưng nhẹ hơn, chắc hơn, rẻ hơn gạch đỏ truyền thống nên được người dân lựa chọn, ưu chuộng.
Trong những say sưa về gạch không nung xi măng cốt liệu, tôi còn thấy cả một niềm hứng khởi, hài lòng ở anh khi nói về ích lợi của việc tận dụng đá mạt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phế thải rắn trong khai thác khoáng sản, không làm mất đất sản xuất nông nghiệp như sản xuất gạch đỏ truyền thống.
Có lẽ, những giá trị phi lợi nhuận ấy gia tăng thêm niềm đam mê với gạch không nung, chả thế mà anh cứ hằng ấp ủ. Danh hiệu sản phẩm "Thương hiệu vàng công nghiệp Việt Nam năm 2015" do Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương tổ chức bình chọn mà gạch không nung Hoàng Phát đạt được dù vừa mới đi vào thị trường đã nói lên giá trị của sản phẩm chứa đựng nhiều tâm huyết của doanh nhân Trần Văn Tuấn.
Khởi nghiệp tuổi 54
Lớn lên bên cánh đồng Mường Lò, uống nước dòng Thia trong mát, khi nhiều người con xứ hoa ban trắng ra đi để học tập và tìm cơ hội đổi đời thì người phụ nữ dân tộc Tày - chị Hoàng Thị Phượng, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Phân bón An Phú Điền (Văn Chấn) lại chọn khởi nghiệp ở quê nhà.
Chị khởi nghiệp ở tuổi 54. Mường tượng trong tôi, chị sẽ là một người cao lớn mạnh mẽ nhưng tôi bất ngờ khi gặp, chị lại nhẹ nhàng, dung dị - phẩm chất của người đàn bà "nữ công gia chánh”. Khởi sự kinh doanh bằng sản xuất phân bón loại sản phẩm chẳng một chút liên quan tới công việc trong ngành bưu điện mà chị từng làm thực sự mới mẻ với người phụ nữ này.
Đương nhiên, những ý tưởng đều có nguyên do Mường Lò là đất trồng lúa và hoa màu. Lâu nay, phân chuồng từ chăn nuôi vẫn được người dân sử dụng bón cho lúa, cho rau. Nguồn phân hữu cơ này thực sự là rất tốt trong sản xuất nông nghiệp nhưng nhiều khi không được xử lý đúng cách gây ô nhiễm môi trường, phát sinh sâu bọ và các loại nấm bệnh cho cây trồng… làm giảm năng suất cây trồng.
Công ty TNHH An Phú Điền thành lập năm 2014 với vốn điều lệ 1,7 tỷ đồng, đóng trên địa bàn thôn Khá Thượng 1, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn đã tận dụng nguồn than bùn tại địa phương cộng với ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, sản xuất phân bón NK viên nén dúi sâu phục vụ cho trồng lúa nước.
Hiệu quả thực tế đã bắt đầu tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng với sản phẩm. Sau khi các hộ thử nghiệm và có kết quả, Công ty bắt đầu tổ chức hội thảo đầu bờ và tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân. Sự kiên trì đi từng bước từ con số không của An Phú Điền dần được đền đáp.
Sản phẩm phân bón NPK của An Phú Điền dần có chỗ đứng trên thị trường. Vị nữ Giám đốc của An Phú Điền cho hay, mỗi năm Công ty đã cung ứng ra thị trường 2.000 tấn phân bón với trên 10.500 lượt hộ sử dụng sản phẩm, doanh thu 1,6 tỷ/năm.
Quy mô An Phú Điền dần phát triển. Từ 5 công nhân ngày đầu thành lập, đến nay có 15 công nhân, được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ. Diện tích nhà xưởng trên 1.000 m2, máy móc, trang thiết bị hiện đại...
Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, Công ty còn đưa sản phẩm tiêu thụ tại thị trường tỉnh Thái Bình và vùng chè Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên. Công ty đã mở rộng, xây dựng một chi nhánh sản xuất tại khu công nghiệp tỉnh Bình Dương để thuận lợi hơn cho việc vận chuyển và cung ứng sản phẩm cho miền Trung và miền Nam. Với người phụ nữ này, tôi tin, chị sẽ thực hiện những điều đó bằng sự táo bạo, mạnh dạn trong sự chín chắn tuổi đời mình.
Quang Thiều