Góp phần thực hiện hiệu quả Đề án, hệ thống khuyến nông tỉnh Yên Bái và các tổ chức, đơn vị đã tập trung triển khai công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm các loại cây ăn quả có múi.
Một trong những nội dung hoạt động chủ yếu, thường xuyên trong công tác khuyến nông để nâng cao kiến thức và trình độ canh tác cho nông dân là đào tạo, tập huấn kỹ thuật.
Hệ thống khuyến nông Yên Bái trong giai đoạn 2012 - 2017 đã tổ chức được trên 1.500 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân về kỹ thuật chọn giống, làm vườn ươm, nhân giống; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm bưởi, cam, quýt, chanh; tập huấn, hướng dẫn hạch toán kinh tế hộ gia đình đảm bảo hiệu quả… cho trên 60.000 lượt hộ nông dân tham gia.
Bằng nguồn ngân sách của tỉnh và nguồn vốn khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh hàng năm tổ chức 8 - 10 lớp đào tạo phương pháp nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác khuyến nông.
Các cán bộ khuyến nông được bổ sung, cập nhật kiến thức; nâng cao kỹ năng soạn giáo án, bài giảng và phương pháp tiếp cận; chú trọng tập huấn tại hiện trường, cầm tay chỉ việc, lý thuyết đi đôi với thực hành… đã giúp người dân nắm bắt tốt các kiến thức kỹ thuật.
Những năm gần đây, hệ thống khuyến nông tỉnh và các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện và phối hợp thực hiện với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu xây dựng gần 100 điểm trình diễn khuyến nông về cây ăn quả có múi. Thông qua thực hiện mô hình trình diễn, nông dân trực tiếp tiếp thu kỹ thuật, kỹ năng canh tác, hưởng lợi trực tiếp.
Người dân đã áp dụng nhân ra diện rộng từ các mô hình đạt hiệu quả cao như: "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất bưởi Đại Minh và kết hợp nuôi ong lấy mật theo hướng sản xuất bền vững” ở xã Đại Minh, huyện Yên Bình; trồng giống cam chín muộn V2 tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng vườn ươm cây ăn quả có múi bằng phương pháp ghép ở thị trấn Nông trường Trần Phú (huyện Văn Chấn), xã Hưng Thịnh (huyện Trấn Yên), xã Khánh Hòa (huyện Lục Yên); trồng thử nghiệm giống cam không hạt LD06 tại xã Khánh Hòa, huyện Lục Yên…
Ngoài ra, hàng năm trên 1.800 lượt nông dân được tham gia các cuộc tham quan, hội thảo đầu bờ, trao đổi kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất.
Xác định vai trò quan trọng của công tác thông tin tuyên truyền trong hoạt động khuyến nông, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh đã tăng cường triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện xây dựng chuyên mục "Khuyến nông” phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh mỗi tuần một chương trình; xây dựng các tin, bài tuyên truyền trên các báo Trung ương và địa phương, riêng Báo Yên Bái mỗi tháng đăng tải 2 chuyên mục "Nhà nông cần biết”; phát hành bản tin "Khuyến nông Yên Bái” hàng quý; phối hợp xây dựng nội dung bản tin "Thời tiết nông vụ” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh 10 ngày/số; đăng tải bảng tin giá cả thị trường nông, lâm, thủy sản trên Báo Yên Bái, truyền hình địa phương, trang thông tin điện tử của ngành.
Đồng thời, cấp phát cho nông dân trên 60.000 tờ rơi, tờ gấp kỹ thuật mỗi năm, trong đó có nhiều nội dung tuyên truyền, hướng dẫn phục vụ phát triển cây ăn quả có múi.
Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật thông qua các hình thức như trao đổi trực tiếp, gặp gỡ tại cơ sở, qua điện thoại… đã nhiệt tình tư vấn cho nông dân về các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn, các đề án phát triển phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp; tư vấn xây dựng mô hình, khởi nghiệp trang trại, hướng dẫn vay vốn đầu tư; giới thiệu các địa chỉ cung ứng giống, vật tư kỹ thuật; các địa chỉ, điển hình sản xuất giỏi… để nông dân tham quan, học tập.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh được ngành giao bổ sung nhiệm vụ tham mưu, thực hiện công tác xúc tiến thương mại nông, lâm sản. Đơn vị đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị tiến hành rà soát các sản phẩm nông, lâm sản đã được cấp chứng nhận an toàn, các cơ sở sản xuất đã được chứng nhận VietGAP; làm cầu nối giữa ban tổ chức và Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái, nay là Hội Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái, đưa các mặt hàng nông lâm sản tham gia các hội chợ, trung tâm trưng bày và phân phối sản phẩm, góp phần đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông lâm sản nói chung, sản phẩm cây ăn quả có múi nói riêng.
Công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cây ăn quả có múi đã giúp nông dân Yên Bái chuyển đổi nhận thức, kiến thức, kỹ năng, đẩy mạnh ứng dụng trong thực tế sản xuất. Việc đầu tư thâm canh, sản xuất theo hướng bền vững đã ngày càng được người dân chú trọng quan tâm thực hiện. Nhờ đó, năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm cây ăn quả có múi ngày càng nâng cao.
Nguyễn Thơm