Yên Thế: Thu nhập cao từ trồng dưa chuột trên đất lúa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/4/2018 | 1:49:43 PM

YBĐT - Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Lục Yên đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Trong đó, mô hình trồng dưa chuột tại thị trấn Yên Thế đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Nông dân thị trấn Yên Thế thu hoạch dưa chuột.
Nông dân thị trấn Yên Thế thu hoạch dưa chuột.


Đi đầu với mô hình trồng dưa chuột tại thị trấn Yên Thế là gia đình anh Phạm Trường Giang, thôn Thoóc Phưa. Trước đây, với diện tích 1 mẫu ruộng, gia đình anh cấy 2 vụ lúa, nhưng thấy hiệu quả không cao nên anh đã quyết định chuyển đổi sang trồng dưa chuột.
 
Anh Giang cho biết, nhà anh trồng cây dưa chuột đã từ nhiều năm nay. Vào thời điểm thu hoạch, mỗi ngày anh thu từ 1 đến 2 tạ/sào, mỗi một sào đạt năng suất từ 6 tạ đến 1 tấn và đầu mùa bán với giá 12.000 đồng/kg, giữa mùa từ 8 - 10.000 đồng/kg và trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 15 tấn, với giá thị trường dao động từ 8 - 10.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi vụ giúp gia đình anh thu về gần 50 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập của cây dưa chuột đã giúp gia đình anh có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Anh Giang cho biết thêm: "Đối với cây dưa chuột đòi hỏi người trồng phải chịu khó, chăm chỉ, chú trọng phòng chống dịch bệnh thì năng suất mới cao và gia đình tôi chọn giống dưa chuột Thái Lan vì nó hợp với thị hiếu, đồng thời giá cả cũng được giữ ổn định”.

Ban đầu, chỉ có vài hộ trong thôn Thoóc Phưa chuyển đổi từ trồng lúa sang dưa chuột. Nhưng vài năm gần đây, do nhận thấy cây dưa chuột cho thu nhập cao nên đến nay đã có gần 10 hộ trên địa bàn thị trấn Yên Thế trồng từ 1 sào trở lên, tập trung nhiều ở các thôn: Đồng Phú, Thoóc Phưa… với tổng diện tích gần 2 ha.
 
Theo kinh nghiệm của các hộ dân nơi đây, dưa chuột là loại cây trồng rất thích hợp với đồng đất, tập quán canh tác của người dân địa phương, chi phí đầu tư thấp và đưa lại nguồn thu nhập cao. Ban đầu người dân thường đầu tư khoảng gần 4 triệu đồng/ sào để mua cây nứa làm giàn cho dưa chuột. Nhưng số nứa đó có thể dùng lại để trồng từ 2 - 3 vụ dưa sau. Còn tiền mua giống và phân bón cũng không tốn kém, chủ yếu là người dân phải bỏ công chăm sóc.
 
Cũng theo nhận định của người dân nơi đây, dưa chuột là loại dễ trồng, thời vụ ngắn, từ ngày xuống giống đến khi thu hoạch chỉ hơn 1 tháng. Việc chăm sóc cũng khá đơn giản, trước khi trồng bón lót bằng phân chuồng, sau khi xuống giống từ 10 - 15 ngày thì bón thêm lân, đạm. Trong quá trình chăm sóc nông dân chỉ cần thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh để có biện pháp phòng trị kịp thời đảm bảo năng suất.

Có thể khẳng định, mô hình trồng dưa chuột của những hộ dân trên địa bàn thị trấn Yên Thế đã cho hiệu quả kinh tế rất cao. Bình quân mỗi sào cũng cho thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng và gấp 5 lần so với cấy lúa. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ cấy lúa sang trồng dưa chuột ở đây đã góp phần giúp người nông dân tăng thu nhập.
 
Ông Hoàng Sơn Trường - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế cho biết: "Nhiều năm trở lại đây, thông qua tuyên truyền, vận động, nông dân trên địa bàn đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng; trong đó, có cây dưa chuột đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần đáng kể vào ngành trồng trọt, cũng như công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn thị trấn”.

Với việc chuyển đổi cây trồng đúng hướng, tin rằng đây sẽ là điều kiện để nông dân thị trấn Yên Thế và các địa phương trong huyện Lục Yên tiếp tục nhân rộng mô hình và mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện, môi trường canh tác, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khắc Điệp

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 389/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.

Ngày 12-4, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị thực hiện nhiệm vụ giữa Bộ với Hội Nông dân Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Cơ sở chăn nuôi gà của ông Hoàng Ngọc Minh ở tổ dân phố số 11, thị trấn Cổ Phúc.

YBĐT - Hiện nay, thị trấn Cổ Phúc có tổng số 20 mô hình chăn nuôi gà với quy mô từ 1.000 đến 5.000 con. Người dân đã chuyển đổi thành công khá nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao như trồng cam Vinh, cam Đường canh, bưởi Diễn... 

Lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm vùng trồng dâu xã Việt Thành.

YBĐT - Xã Việt Thành, huyện Trấn Yên hiện có 182 hộ trồng dâu, nuôi tằm với diện tích 67 ha. Hiệu quả từ nghề dâu tằm mang về cho người dân được khẳng định khi doanh thu năm 2017 đạt trên 12 tỷ đồng. Thời điểm này, bà con trong xã tích cực chăm bón diện tích dâu hiện có để đưa vào nuôi những vòng tằm đầu tiên của năm 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục