Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Yên Bình ngoài việc thực hiện các đề án thành phần, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi... còn chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tất cả là nhằm nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế, khẳng định thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp "đặc sản” và phát huy hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Theo ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình, sau khi được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020, Yên Bình đã tích cực tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đề án một cách hiệu quả.
Không chỉ cấp huyện mà mỗi cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị đều vào cuộc. Đặc biệt, sự tham gia tích cực của người dân, đến nay huyện đã hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa nông sản.
Trong đó, hiệu quả nổi bật là vùng bưởi Đại Minh rộng trên 450 ha; vùng nuôi trồng thủy sản trên hồ Thác Bà với trên 1 ngàn lồng cá và 250 ha nuôi cá quây lưới, vùng sản xuất lúa đặc sản Bạch Hà 50 ha... đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp lên trên 1.870 tỷ đồng năm 2017.
Bên cạnh đó, huyện Yên Bình cũng đã lập hồ sơ đề nghị công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với vùng bưởi, vùng nuôi thủy sản. Những sản phẩm nông sản đã và đang phát huy hiệu quả, mang lại giá trị hàng trăm tỷ đồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Yên Bình.
Cùng với đó, huyện đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện, mời gọi các tổ chức, đơn vị thực hiện các đề tài, dự án khoa học, công nghệ, nghiên cứu áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi.
Đồng thời xây dựng nhãn hiệu chứng nhận bưởi Đại Minh, nhãn hiệu tập thể gạo Bạch Hà, đăng ký nhãn hiệu thủy sản hồ Thác Bà. Chỉ đạo hướng dẫn các xã rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất gắn với quy hoạch XDNTM và các dự án sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị...
Chủ tịch UBND xã Đại Minh Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: "Từ khi áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhất là xây dựng nhãn hiệu chứng nhận bưởi Đại Minh đã nâng cao giá trị thu nhập từ bưởi. Bưởi Đại Minh giờ đã vào nhà hàng, siêu thị, tiêu thụ khắp các tỉnh thành. Nếu như trước đây, mỗi năm người dân trong xã bán thu cao lắm cũng chưa đầy 30 tỷ đồng, thì năm 2016 con số đã là 42 tỷ đồng; năm 2017 đạt 50 tỷ đồng. Giờ này, bưởi đang đơm hoa kết trái, thời tiết thuận lợi, bà con áp dụng phương pháp thụ phấn trực tiếp, chắc chắn năm nay lại thêm một mùa bưởi bội thu”.
Hay như lúa, gạo Bạch Hà - một đặc sản có tiếng và được ca tụng trong câu ca rằng "Cơm làng Má, cá Đào Kiều", "Gạo Bạch Hà, gà Linh Môn” từ bao đời nay nhưng cứ mãi "lẹt đẹt” không thể thành hàng hóa được, bởi cách làm manh mún, nhỏ lẻ, thiếu bài bản.
Để khai thác hiệu quả, Yên Bình đã xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất hàng hóa và xây dựng nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà” cho sản phẩm gạo của xã Bạch Hà. Vừa tuyên truyền vận động, vừa thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và quy hoạch 50 ha ở các xứ đồng đủ điều kiện sản xuất bằng một giống lúa Chiêm hương.
Đến nay, các xứ đồng như: Gò Chùa, Phai Thao, Hồ Sen, Hàm Rồng là thủ phủ lúa gạo hàng hóa ở Bạch Hà. Vẫn giống lúa ấy, nhưng khi gieo cấy ở Bạch Hà lại tạo ra sản phẩm thơm ngon đến vậy. Có lẽ do tiểu vùng khí hậu, do nguồn nước và được bà con nông dân nơi đây gieo cấy, chăm sóc theo "bí quyết” riêng nên mới có một hương vị đặc trưng như thế.
Trong một hai năm trở lại đây, bình quân mỗi năm người dân Bạch Hà sản xuất và cung ứng ra thị trường cả ngàn tấn thóc, gạo. Do chất lượng ngon nên giá lúa gạo Bạch Hà luôn cao hơn giá thị trường và bình quân 18 - 20.000 đồng/kg thóc, như vậy mỗi năm cũng thu về gần 20 tỷ đồng.
Thương hiệu "Gạo Bạch Hà” giờ đã nổi tiếng và được người tiêu dùng lựa chọn, các thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng đến tìm mua và nay đã đi vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Trong phát triển chăn nuôi thủy sản cũng vậy, Yên Bình đã và đang phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam và Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phòng khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển thủy sản hồ Thác Bà và bàn giải pháp, xây dựng kế hoạch phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị.
Đồng thời, vận động nhân dân tham gia góp vốn, nhân công và liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất thủy sản xuất khẩu... Đó là một hướng đi mới phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
Quy hoạch phát triển sản xuất theo chuỗi; đồng thời, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả rõ nét ở Yên Bình. Đó nền móng, là tiền đề để cho sản xuất nông, lâm nghiệp Yên Bình phát triển gắn với XDNTM.
Thanh Phúc