Hiệu quả canh tác sắn xen cây họ đậu

  • Cập nhật: Thứ năm, 26/4/2018 | 8:27:43 AM

YBĐT - Đầu năm 2017, 3 dự án được tài trợ từ nguồn nước ngoài đã tiến hành nghiên cứu về tác động trồng xen cây họ đậu trong việc ngăn chặn xói mòn, cải thiện độ phì nhiêu và nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh trên sắn trên địa bàn xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, nhằm đưa ra căn cứ, cơ sở, kết quả khoa học cụ thể, chính xác về hiệu quả của việc làm này.

Nông dân xã Mậu Đông canh tác sắn bền vững bằng cách trồng sắn xen các cây họ đậu.
Nông dân xã Mậu Đông canh tác sắn bền vững bằng cách trồng sắn xen các cây họ đậu.


Nhiều năm nay, sắn đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con trên địa bàn tỉnh. Sắn có thể trồng cả trên đất nghèo dinh dưỡng nhưng hình thức canh tác sắn (độc canh, làm đất, thu hoạch) lại là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến xói mòn và thoái hóa đất. Để canh tác sắn bền vững, đã có nhiều phương pháp được đưa ra, trong đó, trồng sắn xen các cây họ đậu là một giải pháp tối ưu, được một bộ phận nông dân tích cực áp dụng.
 
Bà Trần Thị Nga ở thôn 10 xã Mậu Đông cho biết: "Gia đình tôi trồng sắn hơn 15 năm nay. Những ngày đầu, mỗi gốc được trung bình 5 kg củ nhưng dần dần giảm và hiện nay chỉ còn 2 kg/gốc. Từ đầu năm 2017, dự án được đưa về, chúng tôi tiến hành trồng đỗ đen xen sắn vừa tăng thu nhập vừa cải tạo đất, tăng năng suất, trồng 1 mà được 2 nên tích cực áp dụng”.
 
Gia đình ông Phạm Văn Biểu cùng thôn cũng chung quan điểm với bà Nga. Được biết, gia đình ông Biểu trồng 0,5 ha sắn theo dự án. Vụ vừa rồi, ông thu được thêm 16 triệu đồng từ trồng đỗ và 13 tấn sắn tương đương với 18 triệu đồng, năng suất cao hơn gần 1 tấn so với vụ năm trước. Không chỉ bà Nga, ông Biểu mà phần lớn người dân ở thôn 10 đều đã thấy có sự thay đổi rõ rệt, thể hiện qua năng suất, chất lượng, thu nhập tăng lên của bà con.

Đó là hiệu quả thực tế, tuy nhiên, chưa có 1 căn cứ, cơ sở khoa học cụ thể, tin cậy, thuyết phục ứng với vùng đất, khí hậu vùng Tây Bắc nói chung và Yên Bái nói riêng làm cơ sở nhân rộng cách làm này trên diện rộng.
 
Bởi vậy, từ năm 2017, Trung tâm Quốc tế về Nông nghiệp Nhiệt đới (CIAT) phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã thực hiện 3 dự án, bao gồm: Dự án CCAFS FP2.1 tài trợ bởi chương trình nghiên cứu của tổ chức CGIAR về biến đổi khí hậu, nông nghiệp và an ninh lương thực; Dự án ACTAE/LEGINCROP (2017-2018) tài trợ bởi tổ chức CANSEA của Pháp về sản xuất sinh thái nông nghiệp bền vững; Dự án ARES-CCD (2018-2020) tài trợ bởi Vương quốc Bỉ thông qua Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai trên địa bàn xã Mậu Đông, nhằm nghiên cứu khoa học về tác trồng xen cây họ đậu trong việc ngăn chặn xói mòn, cải thiện độ phì nhiêu và nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh trên sắn.
 
Qua hơn 1 năm thực hiện các dự án, trên cơ sở khoa học, có thể khẳng định việc trồng sắn xen các cây họ đậu có các tác dụng như: giảm xói mòn và nâng cao độ phì của đất, cải thiện năng suất cây trồng và tăng hiệu quả kinh tế, giảm tác động của sâu hại đến cây trồng. Kết quả thí nghiệm của vụ sắn 2017 của Dự án CCAFS FP2.1 cho thấy, các nương sắn trồng xen cây họ đậu chịu tác động bởi nhện đỏ ít hơn rất nhiều so với các nương độc canh sắn.
 
Đồng thời, thiên địch của nhện đỏ (là các loài côn trùng tiêu diệt nhện đỏ) ở các nương trồng xen nhiều hơn hẳn so với các nương trồng thuần. Sự khác biệt này nằm ở chỗ việc trồng xen các cây họ đậu đã góp phần giảm cường độ bốc thoát hơi nước bề mặt đất canh tác, đồng thời, tăng độ ẩm đất. Khi đất có được độ ẩm tốt, cây sắn sẽ chống chịu tốt với sự phá hoại của nhện đỏ và tạo điều kiện cho các loài thiên địch phát triển để hạn chế nhện đỏ.

Đối với tác dụng giảm xói mòn và nâng cao độ phì, do các thí nghiệm về đo mức độ cải tạo đất (từ 2017) và giảm thiểu xói mòn mới (từ 2018) chỉ được thực hiện trong 2 vụ gần đây, hiệu quả của các mô hình này chưa thể định lượng được rõ ràng do mô hình cần có thời gian để làm nổi bật sự khác biệt giữa thời điểm trước và sau thí nghiệm.
 
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Thành Trung - nghiên cứu sinh của Dự án ACTAE/LEGINCROP cho biết: "Các nghiên cứu tương tự tại tỉnh Sơn La đã chỉ ra rằng, sau 3 năm thực hiện những thí nghiệm tương tự, mức độ xói mòn ở những nương có độ dốc tương tự (15-200) giảm từ 35 đến trên 95% tùy thuộc vào các mô hình tổng hợp khác nhau, ví dụ, sắn/ngô xen cây họ đậu, sắn/ngô - cây họ đậu - băng cỏ chống xói mòn… Thêm nữa, cách làm này có thể tăng độ phì của đất, đặc biệt là đạm ni - tơ tăng 22-34% sau 3 năm thực hiện mô hình. Kết quả thử nghiệm này có thể tương tự với kết quả nghiên cứu tại tỉnh Yên Bái”.

Có thể thấy, đây là một nghiên cứu có tính thực tế cao, là cơ sở để nhân rộng ra các địa phương khác, không những phù hợp với xu thế nền nông nghiệp thông minh mà còn nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Tiến sỹ Bùi Lê Vinh - điều phối viên Dự án CCAFS FP2.1 và Chủ nhiệm Dự án ARES-CCD Việt - Bỉ khẳng định: "Dự án đưa ra các đánh giá định lượng cho 3 tác dụng của việc trồng xen của cây họ đậu trên đất dốc trồng sắn và chia sẻ kết quả nghiên cứu đến cơ quan khuyến nông cấp xã, huyện và tỉnh. Đồng thời, nhóm dự án sẽ chuyển tải một phần kết quả của dự án thành các tài liệu truyền thông để phục vụ công tác khuyến nông nhân rộng mô hình trong địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận”.

Hoài Anh

Các tin khác
Người dân đến kê khai nộp thuế tại Chi cục Thuế huyện Văn Chấn.

YBĐT - Năm 2018, huyện Văn Chấn được tỉnh giao thu 180 tỷ đồng, UBND huyện phấn đấu thu 186 tỷ đồng. 

Dây chuyền sản xuất gạch EG5 của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Yên Bái.

YBĐT - Tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, được thành lập năm 1969, đầu năm 2005, thực hiện chủ trương của Nhà nước, cổ phần hóa chuyển thành Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Yên Bái, trải qua muôn vàn khó khăn, Công ty đã khẳng định được vị thế, uy tín trên thị trường.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm định xây dựng tỉnh Yên Bái cùng cán bộ giám sát thường xuyên kiểm tra chất lượng các công trình.

YBĐT - Thành lập năm 2006, Trung tâm Kiểm định xây dựng tỉnh Yên Bái ra đời nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với chất lượng các công trình xây dựng; đồng thời, chấn chỉnh hoạt động xây dựng, nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý chất lượng công trình của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư cũng như quyền lợi của người sử dụng công trình.

Ảnh minh hoạ.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 437/QĐ-TTg về việc kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục