Thăm dò, khai thác đá trắng ở Lâm Thượng: Cần đảm bảo hài hòa các lợi ích

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/9/2018 | 6:56:23 PM

YênBái - YBĐT - Việc cấp phép thăm dò cho Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam tại thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng, Lục Yên là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đúng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đá vôi trắng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về khoáng sản.  


Cuộc đối thoại với nhân dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên được UBND tổ chức ngày 11/9/2018.
Cuộc đối thoại với nhân dân xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên được UBND tổ chức ngày 11/9/2018.

Thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp khai khoáng để thúc đẩy nền kinh tế, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách về định hướng chiến lược phát triển công nghiệp khai khoáng đến 2020, tầm nhìn đến 2030. Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2020 "hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến vật liệu xây dựng có tầm cỡ trong khu vực”.

Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 22/12/2011 của Chính phủ cũng nêu rõ: "Quy hoạch xây dựng các khu khai thác, chế biến tập trung tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao đối với các loại khoáng sản, trong đó có khoáng sản đá hoa trắng với quy mô lớn, chủ yếu tập trung tại Yên Bái và Nghệ An”…

Thực hiện các nghị quyết trên, để đưa tiềm năng khoáng sản trở thành nguồn lực cho phát triển, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam đã đầu tư mở rộng năng lực khai thác, sản xuất, chế biến đá hoa trắng và xin cấp phép thăm dò tại khu vực mỏ đá vôi trắng thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thăm dò có những luồng dư luận trái chiều. Một số người dân thôn Nà Kèn tụ tập ngăn cản doanh nghiệp triển khai thăm dò, cho rằng: Việc thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ cảnh quan môi trường sinh thái và ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của nhân dân và đặt các câu hỏi: Công tác giải phóng mặt bằng, đền bù, đường giao thông như thế nào? Việc xử lý chất thải có ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân hay không? Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam có được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản hay không?...

Để rộng đường dư luận và hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Yên Bái đã gặp những người có trách nhiệm- các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Yên Bái và Bộ Tài nguyên - Môi trường và đã nhận được những câu trả lời làm rõ các nội dung đề cập trên. 

Ông Lại Hồng Thanh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) trả lời: Việc cấp phép thăm dò khoáng sản tại khu vực mỏ đá vôi trắng thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên là nằm trong quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đồng ý bổ sung vào danh mục là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò mỏ đá vôi trắng tại thôn Nà Kèn và điều kiện cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản, Bộ trưởng Bộ TN & MT đã cấp Giấy phép thăm dò số 248/GP-BTNMT, ngày 29/01/2016 cho Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam để thăm dò trên diện tích 101,1 ha với thời gian thăm dò 48 tháng. 

Như vậy, việc cấp phép thăm dò cho Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam tại thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; đúng quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng đá vôi trắng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về khoáng sản.  

Việc cấp phép thăm dò, khai thác với diện tích 101,ha nằm hoàn toàn trong khu vực rừng núi đá tự nhiên, không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Hiện nay, hoạt động thăm dò chưa được triển khai nên chưa có ảnh hưởng gì đến môi trường.

Mặt khác, giai đoạn thực hiện thăm dò khoáng sản chỉ có các hoạt động thi công đường để đưa máy móc, thiết bị thi công các công trình thăm dò theo Đề án thăm dò khoáng sản đã được phê duyệt như: khoan, đào hào, lấy và phân tích mẫu; đo vẽ lập bản đồ... mà không thực hiện hoạt động khai thác nên không ảnh hưởng đến môi trường sống cũng như nguồn nước sinh hoạt của người dân trong khu vực. 

Việc một số người dân thôn Nà Kèn có hành động cản trở việc thăm dò khoáng sản của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam nếu không được thông tin, tuyên truyền, ngăn chặn sẽ dẫn đến nguy cơ vi phạm pháp luật. 

Còn những băn khoăn, lo lắng của người dân về việc thăm dò, khai thác tại mỏ đá hoa trắng khu vực thôn Nà Kèn có làm ảnh hưởng đến môi trường sống, ô nhiễm nguồn nước trong khu vực hay không là nguyện vọng chính đáng. 

Quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như tỉnh Yên Bái là luôn quan tâm, lắng nghe nguyện vọng chính đáng, chăm lo đời sống cho nhân dân, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương, đất nước. 

Tuy nhiên, việc thăm dò, khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam phải đảm bảo hài hòa 3 lợi ích, đó là: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. 

Trong quá trình thăm dò, khai thác, doanh nghiệp phải đảm bảo phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường một cách bền vững và có báo cáo đánh giá tác động môi trường để đưa ra phương án, giải pháp đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, nếu không sẽ buộc phải đóng cửa mỏ để cải tạo môi trường. 

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng của Trung ương và tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hoạt động vi phạm liên quan đến môi trường. 

Nghị định số 03/2015/NĐ-CP ngày 6/1/2015 của Chính phủ quy định "Nếu trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản của doanh nghiệp ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và nguồn nước của nhân dân trong vùng thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại theo quy định”. 

Điều 5 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17/11/2010 của Quốc hội khóa 12 quy định: Địa phương nơi có khoáng sản được Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm: hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng kỹ thuật sử dụng trong khai thác khoáng sản và xây dựng công trình phúc lợi cho địa phương kết hợp khai thác xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư; gây thiệt hại đến hạ tầng phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định. Ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào khai thác khoáng sản và các dịch vụ có liên quan...

Rõ ràng, dự án thăm dò, khai thác khoáng sản đi vào hoạt động không chỉ tăng nguồn thu cho ngân sách để phát triển kinh tế - xã hội mà người dân còn được hưởng lợi rất nhiều. Thực tế cho thấy, từ một địa phương trước đây không có tên trên bản đồ công nghiệp khai khoáng Việt Nam thì đến nay, huyện Lục Yên được biết đến là vùng đất giàu tiềm năng khoáng sản. Lục Yên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất vào phát triển công nghiệp nói chung và lĩnh vực khai khoáng nói riêng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn...

Tính đến hết năm 2017, Lục Yên đã có 125 doanh nghiệp, 16 hợp tác xã hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 1.315 tỷ đồng. 

Trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn có 36 giấy phép khai thác khoáng sản cấp cho 33 doanh nghiệp (14 giấy do UBND tỉnh cấp, 22 giấy do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp). Trong đó có 24 giấy phép khai thác đá vôi trắng, cấp cho 23 doanh nghiệp, hiện 12 giấy phép đang đi vào hoạt động. 

Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện năm 2017 đã nộp ngân sách trên 108 tỷ đồng; tạo việc làm thường xuyên cho trên 2 ngàn lao động với thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng đồng/người/tháng. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ đá vôi trắng hàng năm đạt trên 3 triệu USD, chủ yếu xuất sang thị trường Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc... 

Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam có 100% vốn nước ngoài với nhà máy chế biến đá block và đá Marble xuất khẩu năm 2017 nộp ngân sách 80 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2018 đã nộp ngân sách trên 50 tỷ đồng. Nhà máy còn tạo công ăn việc làm cho trên 500 lao động với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. 

Một vấn đề nữa mà người dân xã Lâm Thượng quan tâm là tuyến đường Mai Sơn - Lâm Thượng đã xuống cấp nghiêm trọng; mạng lưới trường học và hệ thống điện lưới quốc gia cho các thôn, bản còn nhiều khó khăn... 

Trả lời về vấn đề này, ông Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Những nguyện vọng chính đáng của người dân sẽ được tập trung xem xét, giải quyết. UBND tỉnh Yên Bái cũng đã có kế hoạch và trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung rà soát các nguồn lực để tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Cùng với nguồn lực của Nhà nước, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam cam kết đóng góp 30% tổng vốn sửa chữa nâng cấp tuyến đường Tân Lĩnh - Lâm Thượng; tuyến đường Mai Sơn - Lâm Thượng  - Tân Phượng cũng đã có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp. Đối với đường giao thông nông thôn, tỉnh đã phê duyệt cho huyện cân đối các nguồn vốn theo lộ trình để sửa chữa đầu tư trong quá trình xây dựng nông thôn mới. 
      
Như vậy, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, quy định pháp luật để thực hiện hoạt động thăm dò khoáng sản tại khu vực mỏ đá vôi thôn Nà Kèn, xã Lâm Thượng. Và như đã nói ở trên, việc cản trở của một số hộ dân xã Lâm Thượng nếu không được tuyên truyền, vận động, ngăn chặn có thể dẫn tới vi phạm pháp luật. 

Do vậy, vì lợi ích chung, người dân hãy chia sẻ và đồng thuận cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó,, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam trong quá trình thăm dò phải có trách nhiệm thực hiện và tuân thủ đúng quy trình thực hiện dự án và chịu sự giám sát của các cấp, các  ngành và người dân. 

Thanh Phúc - Đức Toàn

Các tin khác

Sau sự cố giao thông, vào sáng 27/9, chính thức thông tuyến IC12 – IC14 trên cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Xe buýt 2 tầng được sử dụng làm phương tiện phục vụ khách du lịch nội thành Hà Nội.

Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, 7 tỉnh, thành thực hiện thí điểm dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch trong các đô thị bằng xe ô tô 2 tầng, thoáng nóc gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Kiên Giang và TP HCM.

Anh Phạm Ngọc Sỹ (bên phải) giới thiệu với lãnh đạo xã Đại Lịch về quy trình trồng cam Đường canh.

YBĐT - Anh Sỹ thường xuyên lặn lội đến các xã: Thượng Bằng La, Tân Thịnh, Cát Thịnh, Nghĩa Tâm, Chấn Thịnh… để học hỏi kinh nghiệm; đồng thời, đọc sách, báo và mạng Internet tìm hiểu thêm kỹ thuật trồng cam.

Người dân nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng.

YBĐT - Từ đầu năm tới nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) tỉnh Yên Bái đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao đóng góp nguồn tài chính đáng kể cho ngành lâm nghiệp, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định đời sống của những người làm nghề rừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục