Yên Bái cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/10/2018 | 10:38:03 AM

YBĐT - Trong 8 đề án thành phần của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua thực hiện đến ngày 5/10, nhiều đề án chưa đạt trên 50% kế hoạch.

Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa đã và đang phát huy hiệu quả.
Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa đã và đang phát huy hiệu quả.


Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2018, ngành nông nghiệp các huyện, thị đã tích cực, chủ động lãnh chỉ đạo thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm, nhất là triển khai thực hiện các đề án thành phần trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Qua đó, một số đề án đã hoàn thành với khối lượng, chất lượng cao nhưng cũng còn một số đề án tiến độ thực hiện rất chậm và cần sự nỗ lực cao, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và nhân dân. 

Có thể khẳng định, sau gần 3 năm triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo được bước đột phá nhất định. 

Nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế, không chỉ an ninh lương thực được đảm bảo mà đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn; làm thay đổi mạnh mẽ tư duy người dân từ sản xuất tự phát, phong trào, quảng canh, nhỏ lẻ sang thâm canh và sản xuất hàng hóa. 

Trong trồng trọt, đã áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng lương thực tăng nhanh. Năm 2017, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 6.862 tỷ đồng, giá trị sản xuất trên 1,0 ha đất trồng trọt đạt 57 triệu đồng, tăng 2,76 triệu đồng so với năm 2015. 

Trong 9 tháng của năm 2018, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều bất lợi, thiên tai, dịch bệnh tàn phá nặng nề nhưng vụ mùa vẫn bội thu. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 5.305 tỷ đồng, đạt 76,65% kế hoạch cả năm và tăng 4,5% so với cùng kỳ. 

Trong đó, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 3.905 tỷ đồng; sản xuất lâm nghiệp đạt 1.202 tỷ đồng; sản xuất thủy sản đạt 198 tỷ đồng, tăng 7,95% so với cùng kỳ. 

Cùng đó, đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa với khối lượng, chất lượng cao như vùng lúa hàng hóa tập trung trên 2.500 ha; ngô hàng hóa 1.500 ha; vùng cây ăn quả trên 7.859,5 ha; vùng sắn, vùng chè, vùng quế... 

Qua 9 tháng của năm, nhìn chung các chỉ tiêu chủ yếu của ngành nông nghiệp được thực hiện tốt, đảm bảo kế hoạch và có nhiều cơ sở hoàn thành, hoàn thành vượt kế hoạch. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được triển khai, góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức trong phát triển sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tập trung. Tuy nhiên, trong 8 đề án thành phần, qua thực hiện đến ngày 5/10, phần lớn đều đạt rất thấp so với kế hoạch. 

Cụ thể, Đề án phát triển cây ăn quả có múi đã trồng 409,9 ha/771,9 ha, đạt 53,1% kế hoạch. Đề án phát triển chăn nuôi, thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò nái được 2.594/3.300 liều phối đạt, đạt 78,6% kế hoạch; hỗ trợ thực hiện 35/72 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con/cơ sở đạt 49% kế hoạch; hỗ trợ thực hiện 42/39 cơ sở chăn nuôi gia cầm 1.000 con/cơ sở, đạt 108% kế hoạch; hỗ trợ 29/95 cơ sở chăn nuôi lợn kết hợp 5 nái và 50 thịt, đạt 31% kế hoạch. Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản, cải tạo 6,8 ha/kế hoạch 9 ha ruộng kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá, đạt 75,6% kế hoạch; hỗ trợ kinh phí mua thuốc thủy sản đạt 100% kế hoạch. 

Đề án phát triển cây quế, mới trồng 163,8 ha/650 ha, đạt 25,2% kế hoạch. Đề án phát triển chè vùng cao đã trồng 54,5 ha/178 ha, đạt 30,6% kế hoạch. Đề án phát triển tre măng Bát độ đã trồng 458,4 ha/1.145 ha, đạt 40% kế hoạch. Đề án phát triển cây sơn tra đã trồng 630,9 ha/400 ha, đạt 157,7%. Đề án phát triển ngô đông trên đất 2 vụ lúa đã trồng 1.995 ha/4.000 ha, đạt 50% kế hoạch (dự báo sẽ đạt kế hoạch). 

Từ thực tế cho thấy, tiến độ triển khai các đề án thành phần rất chậm, có nhiều đề án chưa đạt trên 50% kế hoạch, cho dù những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ 15 đợt thiên tai, gây thiệt hại lớn về người và của. Tuy nhiên, đó không phải là yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các đề án. 

Thiết nghĩ, các địa phương cần tích cực chỉ đạo, đôn đốc sát thực tế, đưa cán bộ về cùng người dân trong vùng dự án để triển khai thực hiện. Những vấn đề khó khăn, phát sinh từ cơ sở phải được tháo gỡ kịp thời, tránh tình trạng hô hào, chỉ đạo chung chung, thiếu kiểm tra, giám sát. Địa phương nào chủ quan, không sâu sát, không hoàn thành kế hoạch thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước tỉnh, trước nhân dân.

Thanh Phúc

Các tin khác
Chế biến măng tre xuất khẩu tại Công ty cổ phần Yên Thành.

YBĐT - Từ một doanh nghiệp nhỏ, nhưng bằng chiến lược phát triển đúng đắn, liên kết với nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu, mở rộng thị trường, Công ty cổ phần Yên Thành (Yên Bình) ngày càng khẳng định vị thế trên thương trường.

Các phương tiện lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ban hành Công điện yêu cầu dừng thu phí đối với tuyến đường gặp hư hỏng nhưng sửa chữa không kịp thời.

Ông Mai Văn Sự, thôn Phú Nhuận chăm sóc đậu đỗ trồng trên đất nông nghiệp mới khôi phục sau lũ.

YBĐT - Cơn lũ lịch sử tháng 7 vừa qua làm thiệt hại 30 ha đất nông nghiệp của xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái. Gần 3 tháng qua, nhờ sự chỉ đạo sát sao từ cấp ủy, chính quyền xã cũng như sự nỗ lực của người dân, xã đã khôi phục được 25 ha.

Dự án Kè chống sạt lở thoát lũ suối Hào Gia của thành phố Yên Bái khó giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2018.

YBĐT - Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn kế hoạch đã giao năm 2018 cho các huyện, thị xã, thành phố đến ngày 8/10 là trên 1.000 tỷ đồng, chiếm 33,72% tổng kế hoạch vốn toàn tỉnh; đã giải ngân trên 723 tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục