HTX Suối Giàng, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn được thành lập từ tháng 3/2007 do chị Lâm Thị Kim Thoa làm Giám đốc. Những ngày đầu mới thành lập, HTX gặp muôn vàn khó khăn như: nhân công dồi dào nhưng thiếu kỹ năng, trình độ; thị trường rộng, có tiềm năng nhưng cạnh tranh cao...
Lúc ấy, chị Thoa mới chập chững bước vào kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, điều hành còn nhiều hạn chế nhưng chị luôn nỗ lực vừa học tập vừa trau dồi kiến thức, kinh nghiệm. Vấp ở đâu thì đứng lên ở đó - chị đã quan niệm như vậy để bắt đầu quá trình xây dựng HTX Suối Giàng.
Vì nguồn nhân lực của chị chủ yếu là người Mông nên trước hết chị học tiếng Mông để có thể giao tiếp và hiểu họ. Rồi chị đào tạo lao động của mình đáp ứng nhu cầu công việc và đi chào hàng, tự tìm cho mình những kênh tiêu thụ tin cậy, ổn định...
Nhờ quyết tâm, sự năng động, nhạy bén của chị Thoa cùng việc lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nên HTX hoạt động khá hiệu quả, thu hút nhiều hội viên phụ nữ tham gia. Hiện, HTX đang kinh doanh, sản xuất chè đặc sản Shan tuyết với doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên.
Chị Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc HTX cho biết: "Để tận dụng vị trí, địa thế vốn giàu tiềm năng và để sản phẩm chè Tuyết Sơn Trà được nhiều người biết đến, HTX Suối Giàng đang mở rộng ngành nghề kinh doanh sang lĩnh vực du lịch. Chúng tôi đang trồng hoa tạo thành những vườn hoa rộng lớn bao quanh những tán chè cổ thụ. Trong tương lai gần, chúng tôi sẽ xây dựng khu nhà ở cộng đồng - nơi du khách có thể tổ chức ăn uống, đốt lửa trại, hòa mình vào những nét văn hóa độc đáo của người Mông nơi đây”.
Cũng gặp vô số khó khăn trong những ngày đầu mới thành lập song các thành viên HTX Nông nghiệp dịch vụ hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên luôn đoàn kết, đặc biệt với vai trò dẫn dắt, định hướng của nữ giám đốc Trần Thị Tình đã giúp HTX vượt qua khó khăn, bước đầu đi vào hoạt động hiệu quả.
Chị Tình cho biết: "Tôi chỉ là người nông dân còn chưa học hết cấp III, vốn ít, kiến thức, kinh nghiệm quản lý, điều hành không có. Trước khi bắt tay vào xây dựng HTX, tôi phải nghiên cứu, tìm hiểu, học tập, tham quan ở rất nhiều nơi để tìm ra và đưa những ngành nghề mới, có tiềm năng kinh tế từ đó ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Từ tư tưởng đó, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp để ký hợp đồng thu mua 2 sản phẩm là lạc và khoai tây cho bà con. Cùng với ngành nghề kinh doanh trồng rau - củ - quả phổ biến, cây dược liệu, vật tư nông nghiệp, HTX còn đầu tư xây dựng nhà lưới rộng 1.500m2 trồng các loại rau - củ - quả chất lượng cao như: dưa lưới, cà chua leo, dưa chuột bao tử, các loại rau màu, cây gia vị theo hướng an toàn, có liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hà Nội để chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Đây chỉ là 2 HTX do phụ nữ làm chủ đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Nhưng có thể khẳng định, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới là những điểm chung làm nên thành công của các nữ giám đốc HTX.
Bởi họ đã khắc phục được phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vốn có từ bao đời, nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh, liên kết đầu vào, đầu ra thúc đẩy sản xuất hàng hóa phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển ở từng địa phương trong tỉnh, từ đó phát huy hơn nữa vai trò, vị thế của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế tập thể.
H.A