Kinh tế vùng hồ Thác Bà chuyển dịch cơ cấu theo hướng nào?

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/10/2018 | 8:02:00 AM

YBĐT - Trong năm 2016 và 2017, Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái phối hợp với Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên triển khai thực hiện Đề tài "Nghiên cứu thực trạng và đề xuất các giải pháp chủ yếu chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”.

Nhiều hộ dân ở các xã vùng hồ Thác Bà được hỗ trợ tiền đóng lồng nuôi cá cho thu nhập cao hơn.
Nhiều hộ dân ở các xã vùng hồ Thác Bà được hỗ trợ tiền đóng lồng nuôi cá cho thu nhập cao hơn.


Phó Giáo sư, tiến sỹ kinh tế, giảng viên chính Trần Đình Tuấn - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên; Chủ nhiệm Đề tài cho biết: "Mục tiêu của Đề tài là đánh giá thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình giai đoạn 2010 - 2015; phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đề xuất các giải pháp chủ yếu chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại vùng hồ Thác Bà góp phần phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”. 

Để đánh giá về kết quả chuyển dịch cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp, Chủ nhiệm Đề tài và nhóm thực hiện Đề tài đã tiến hành phỏng vấn 412 người (gồm 277 hộ nông, lâm, ngư nghiệp; 30 cán bộ huyện và 105 cán bộ các xã vùng hồ) với 5 mức độ đánh giá: tốt, khá, được, chưa được, yếu. 

Kết quả khảo sát cho thấy: có 27,18% số người cho là chuyển dịch cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong thời gian qua là tốt; 50,73% số người đánh giá là khá; 14,81% đánh giá là được và 7,28% số người đánh giá là chưa được, không có ai trả lời kém. 

Điều đó cho thấy chuyển dịch cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong thời gian qua có chiều hướng tích cực và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp ở một số xã, thời tiết diễn biến thất thường không thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt) còn yếu kém không đồng bộ nên tác dụng đến sản xuất thấp; lao động sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo, tập huấn, trình độ tiếp thu và ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) còn hạn chế, nhiều tiến bộ KHCN chưa phù hợp với thực tế địa phương... 

Từ đó, để làm rõ các nguyên nhân ảnh hưởng đến chuyển dịch cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp tại vùng hồ Thác Bà, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành phỏng vấn 412 người là các hộ nông, lâm nghiệp và cán bộ về những yếu tố ảnh hưởng chuyển dịch cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp trong thời gian qua (điều kiện tự nhiên, nguồn lực lao động, vốn cho sản xuất, KHCN, thị trường đầu vào, thị trường đầu ra, cơ chế chính sách…) với ba mức đánh giá: rất quan trọng, quan trọng, không quan trọng. 

Kết quả, hầu hết các ý kiến đánh giá từ mức quan trọng đến rất quan trọng, chỉ còn một số ít ý kiến đánh giá là không quan trọng. 

Nhóm đã tiến hành điều tra đối với 277 hộ nông, lâm, ngư nghiệp. Kết quả, 100% các hộ được phỏng vấn đều cho biết họ gặp khó khăn trong vấn đề về vốn đầu tư cho sản xuất. Bên cạnh đó, 90,97% số hộ dân trả lời gặp khó khăn về kỹ thuật; 26,71% số hộ còn thiếu đất để canh tác, thiếu lao động; có tới 72,26% số hộ gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp.  



Gia đình anh Tướng Văn Bội ở xã Vũ Linh (Yên Bình) đầu tư làm du lịch cộng đồng cho thu nhập ổn định.

Để góp phần xây dựng định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nông, lâm, ngư nghiệp tại vùng hồ Thác Bà, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập ý kiến của các cán bộ quản lý (30 cán bộ huyện và 105 cán bộ các xã) và 277 hộ nông lâm ngư nghiệp về cây trồng, vật nuôi nên tập trung phát triển trong thời gian tới tại vùng hồ Thác Bà. 

Kết quả điều tra: phần lớn các ý kiến (71,6%) cho biết, theo họ trong thời gian tới nên tập trung vào phát triển cây ăn quả mà hơn hết là phát triển cây ăn quả có múi. Có 16,5% ý kiến cho rằng nên tập trung phát triển trồng chè. Rất ít ý kiến chọn cây lúa và cây sắn. Như vậy theo ý kiến của cán bộ và người dân địa phương cho thấy cây trồng thế mạnh nên tập trung phát triển tại vùng hồ là cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi. 

Qua khảo sát về phát triển chăn nuôi đối với 412 đối tượng, kết quả: hầu hết các cán bộ quản lý và các hộ nông, lâm nghiệp được phỏng vấn lựa chọn phát triển chăn nuôi lợn và trâu, bò. Đây cũng là những vật nuôi thế mạnh của vùng hồ. 

Để lấy ý kiến đánh giá của cán bộ và doanh nghiệp về chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng trong thời gian qua, nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra phỏng vấn 10 cán bộ huyện, 105 cán bộ xã và 10 doanh nghiệp trên địa bàn vùng hồ Thác Bà. 

Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các ý kiến (53,79%) cho rằng chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp, xây dựng trên địa bàn khu vực vùng hồ Thác Bà trong thời gian qua ở mức khá. Vẫn còn 7,59% ý kiến thấy chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng còn nhiều hạn chế, chưa đạt hiệu quả. 

Lấy ý kiến đánh giá về kết quả chuyển dịch cơ cấu ngành thương mại, dịch vụ, du lịch trong thời gian qua tại vùng hồ Thác Bà, Nhóm nghiên cứu tiến hành điều tra phỏng vấn 10 cán bộ huyện, 105 cán bộ xã và 123 hộ thương mại dịch vụ trên địa bàn vùng hồ Thác Bà. Kết quả khảo sát cho thấy mức đánh giá chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành thương mại, du lịch, dịch vụ chủ yếu đạt mức được, có 11,63% ý kiến cho thấy việc chuyển dịch vẫn còn hạn chế (chưa được).

Như vậy, cho thấy trong các ngành đã khảo sát thì chuyển dịch ngành thương mại, du lịch, dịch vụ chưa thực sự đạt hiệu quả. Thực tế vùng hồ Thác Bà có nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch, tuy nhiên việc phát triển du lịch trong thời gian qua vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Chủ nhiệm Đề tài và Nhóm thực hiện đã đưa ra một số giải pháp để huyện Yên Bình tiếp tục thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng hồ Thác Bà hiệu quả hơn. 

Đó là, tiếp tục tăng tỷ trọng của ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt; tập trung phát triển vùng cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây bưởi; tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật và chăn nuôi công nghệ cao, tăng tỷ lệ đàn lợn nạc, tăng tầm vóc đàn trâu, bò...; phát triển đa dạng các loài thủy sản để sản xuất theo nhu cầu thị trường, đưa các giống cá có năng suất, chất lượng cao vào nuôi bán thâm canh và thâm canh; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, gắn kết doanh nghiệp với người sản xuất, thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển thủy sản... 

Cùng với đó, tăng cường xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư và xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị hàng hóa. Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp - xây dựng cần đầu tư đồng bộ hạ tầng cụm công nghiệp Thịnh Hưng và tiếp tục đề nghị tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu Công nghiệp Mông Sơn để làm căn cứ thu hút đầu tư... 

Về dịch vụ, du lịch: tạo môi trường thông thoáng thuận lợi để mời gọi đầu tư; bố trí nguồn lực hợp lý để thực hiện hỗ trợ đầu tư, nhất là việc hỗ trợ giải phóng, san tạo và bố trí mặt bằng sạch để dự án được nhanh chóng thực hiện. Khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng trung tâm thương mại, chợ. 

Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên tốt nghiệp các trường du lịch có chuyên môn, tay nghề giỏi về nghiệp vụ chuyên ngành du lịch; hình thành đội ngũ thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng...

Thanh Sơn (Sở Khoa học và Công nghệ)

Các tin khác
Du khách nước ngoài lưu trú tại homestay ở xã Phúc An, huyện Yên Bình.

YBĐT - Vùng Đông hồ Thác Bà có 80% dân cư sinh sống là đồng bào dân tộc Tày, Dao quần trắng và Cao Lan. Nơi đây có nhiều yếu tố thuận lợi cho việc phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.

Vietjet Air tung 2 triệu vé giờ vàng siêu tiết kiệm, giá chỉ từ 0 đồng.

Đón mùa du lịch rộn ràng, Vietjet dành tặng 3 ngày vàng siêu khuyến mại (ngày 24, 25, 26/10) vào khung giờ vàng "12 giờ rồi, Vietjet thôi!” với 2 triệu vé siêu tiết kiệm giá chỉ từ 0 đồng (chưa bao gồm thuế, phí) tại website www.vietjetair.com.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mù Cang Chải hướng dẫn cho người dân làm thủ tục vay vốn.

YBĐT - Nhờ chương trình tín dụng chính sách, hàng trăm hộ ở Mù Cang Chải đã thoát nghèo, nhiều lao động được tạo việc làm mới, nhiều học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập; 26 hộ nghèo được vay vốn để xây dựng nhà ở, 136 hộ được vay vốn hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn...

Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa đã và đang phát huy hiệu quả.

YBĐT - Trong 8 đề án thành phần của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, qua thực hiện đến ngày 5/10, nhiều đề án chưa đạt trên 50% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục