Thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Văn Lãng, huyện Yên Bình đang tập trung tái đàn để phục vụ nhu cầu cuối năm.
Ông Hoàng Xuân Hợi, thôn 3 có thâm niên nuôi lợn gần mười năm nay và bình quân trong chuồng lúc nào cũng có 100 con lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng hơn chục tấn lợn hơi. Năm 2017, giá lợn hơi giảm mạnh nhưng ông vẫn duy trì nuôi quy mô nhỏ hơn.
Ông cho biết: "Năm 2018, giá lợn hơi tăng dần, thời điểm tháng 8 vừa rồi, tôi bán lứa lợn thứ 2 giá được 52 ngàn đồng/kg, trừ chi phí cũng thu về hơn 50 triệu đồng. Để chủ động tái đàn phục vụ nhu cầu cuối năm, tôi vừa nhập đàn mới hơn 100 con. Hy vọng, giá cả ổn định thì lứa lợn này cuối năm gia đình tôi sẽ thu về khoảng 50 triệu đồng tiền lãi”.
Gia đình anh Hoàng Văn Khánh, thôn 4 cũng vậy, chuyển sang nuôi lợn quy mô lớn từ năm 2014 với 200 con lợn thịt/lứa và 20 con lợn nái. Lứa lợn thứ 2 trong năm, anh đã xuất bán hết và hiện đang gây giống để nhân đàn phục vụ nhu cầu cuối năm.
Anh Khánh cho biết: "Nếu giá cả cứ ổn định như hiện nay, chỉ cần từ 42 - 45 ngàn đồng/kg lợn hơi thì một con lợn sau khoảng hơn 3 tháng cũng có lãi gần 800 ngàn đồng. Khi giá cả ổn định, người dân sẽ yên tâm mở rộng quy mô”.
Nhận thấy việc nuôi gà thả vườn cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn, sau khi tham quan một số mô hình chăn nuôi tại huyện Trấn Yên, đầu năm 2018, ông Lê Sỹ Thưởng thôn 3 đã đầu tư nuôi gà với quy mô 1.000 con/lứa. Lứa gà đầu tiên ông bán được hơn 2 tấn, giá bán bình quân trên 60.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu lãi trên 30 triệu đồng. Hiện tại, ông đang nhập đàn lần 2 với quy mô trên 2.000 con để bán vào cuối năm.
Ông Thưởng cho biết: "So với nuôi lợn thì nuôi gà giá ổn định hơn, tôi nuôi theo hình thức thả vườn nên chất lượng gà thịt cũng ngon hơn, con giống đảm bảo thì việc nuôi gà thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đầu tư cho chăn nuôi cũng khá nhiều rủi ro, nên tôi chỉ mong Nhà nước có chính sách bình ổn giá để người chăn nuôi yên tâm tái đàn; đồng thời, tạo điều kiện để người chăn nuôi được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô”.
Xã Văn Lãng hiện có 256 con trâu, bò; 2.900 con lợn và trên 30.000 con gia cầm các loại, 30 mô hình chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn, 2 mô hình nuôi gia cầm quy mô trên 1.000 con và 2 hợp tác xã chăn nuôi.
Để việc tái đàn không ồ ạt, khó kiểm soát tình hình dịch bệnh, xã Văn Lãng chỉ đạo cán bộ nông lâm phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú y viên thống kê đầy đủ các hộ chăn nuôi quy mô lớn khi nhập con giống về phải báo cáo với xã, con giống phải có xuất xứ rõ ràng, phải được nhập ở vùng an toàn, có kiểm định thú y ở nơi xuất bán giống, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng phải thận trọng trong việc chọn con giống.
Ông Lê Hồng Quân - Chủ tịch UBND xã Văn Lãng cho biết: "Để tránh việc tái đàn ồ ạt dẫn đến khó kiểm soát về dịch bệnh, cân đối cung cầu thực phẩm và ổn định thị trường, xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân thận trọng, không tái đàn ồ ạt. Đồng thời, lựa chọn rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ con giống khi nhập về để tránh việc nhập con giống không đảm bảo, ảnh hưởng đến chăn nuôi cũng như việc phòng chống dịch bệnh gây thiệt hại cho các hộ chăn nuôi".
"Cùng đó, xã cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi hình thành chuỗi giá trị sản phẩm, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học tạo sản phẩm an toàn" - ông Quân nói.
Thanh Tân