Báo Đáp áp dụng hiệu quả đưa tằm lên né gỗ ô vuông

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/10/2018 | 7:47:06 AM

YBĐT - Vụ thu năm 2018, hộ ông Lê Văn Tiến ở thôn Đình Xây, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên tham gia thực hiện kỹ thuật đưa tằm lên né gỗ ô vuông. Đây là một kỹ thuật trong ươm kén để mỗi con tằm chỉ nằm trong một kén.

Kỹ thuật đưa tằm lên né gỗ ô vuông được người nuôi tằm ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên thực hiện bước đầu cho hiệu quả và chất lượng tốt hơn so với né tre truyền thống.
Kỹ thuật đưa tằm lên né gỗ ô vuông được người nuôi tằm ở xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên thực hiện bước đầu cho hiệu quả và chất lượng tốt hơn so với né tre truyền thống.


Với phương pháp này sẽ hạn chế tỷ lệ hai con tằm làm chung một tổ, tức là sẽ giảm tỷ lệ kén hỏng so với cách làm né tre truyền thống trước đây. Một bộ né gỗ ô vuông gồm: 50 vỉ né làm bằng gỗ nhẹ bền, kích thước né kén 1 m x 1 m (776 lỗ kén); 01 bàn gỡ kén bằng sắt và gỗ để gỡ kén cùng lúc cho 776 lỗ kén trên né; 04 giá treo né làm bằng sắt thép, mỗi giá treo được 12 vỉ né. 

Ông đã được nhận hỗ trợ 50 né gỗ, 1 bàn gỡ kén, 4 giá treo, 1 ống xịt thuốc khử trùng. Qua 3 lứa tằm của gia đình ông trong vụ thu, kỹ thuật mới đã cho hiệu quả bước đầu rõ rệt. 

Ông Lê Văn Tiến cho biết: "So với né tre truyền thống mà nhà tôi làm suốt 16 năm nay thì né gỗ ô vuông có nhiều ưu điểm vượt trội. Tôi thấy trước hết là dễ làm hơn, không phải cắm né nên thời gian cũng giảm hẳn, lúc rút kén cũng chỉ cần khoảng 3 phút đã xong một né chứ né tre phải mất 20 phút trở lên. Đặc biệt, với cách làm này thì kén không bị ẩm vì mỗi con tằm nằm trong một kén". 

Ở thôn Đồng Ghềnh, có hộ ông Trần Văn Trình cũng thực hiện kỹ thuật đưa tằm lên né ô vuông. Việc chuyển đổi từ cách làm cũ sang cách làm mới lúc đầu cũng có những bỡ ngỡ và nghi ngại nhưng sự tiện lợi và hiệu quả của né gỗ mang lại thật sự rõ nét chỉ sau ba lứa tằm. 

Ông Trần Văn Trình cho rằng: "Có làm né gỗ mới thấy là nhàn hơn làm né tre, chưa kể tới các ưu điểm khác. Trước kia làm né tre, tỷ lệ kén đôi, kén ba nhiều hơn, nếu một con hỏng là phải dỡ ra hết nhưng né gỗ mỗi con một ô thì có hỏng cũng lấy ra dễ dàng, không ảnh hưởng con khác cũng như màu sắc của kén. Mỗi con tằm làm kén trong một ô riêng nên kén đều quả hơn, màu kén đẹp hơn".

Đưa tằm lên né gỗ ô vuông trong ươm kén là kỹ thuật mới do các cơ quan, đơn vị chức năng của huyện Trấn Yên phối hợp với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc - doanh nghiệp liên kết phát triển trồng dâu nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén trên địa bàn huyện hướng dẫn các hộ nuôi tằm thực hiện từ vụ thu năm 2018. 

Đây là một nội dung của Đề án Phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Các hộ ứng dụng kỹ thuật mới được nhận hỗ trợ né gỗ là các hộ thực hiện liên kết với Công ty trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm kén. Báo Đáp là 1 trong 5 xã nhận hỗ trợ và ứng dụng kỹ thuật đưa tằm lên né gỗ trong đợt này. 

Tính đến ngày 20/10, 41 hộ của xã Báo Đáp đã nhận đủ né gỗ được hỗ trợ. Né gỗ cho kén to hơn, chất lượng kén tốt hơn đồng nghĩa với giá kén cũng cao hơn, Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc thu mua kén với giá 120.000 - 130.000 đồng/kg. 

Người trồng dâu nuôi tằm cũng đã so sánh về giá thành của né gỗ và né tre, nếu tự đầu tư thì chi phí né gỗ sẽ cao hơn. Một né gỗ hiện nay có mức giá khoảng 70.000 - 75.000 đồng, sử dụng trong vòng thời gian 5 năm. Tuy nhiên, sự thay đổi của một phương pháp mới tạo ra hiệu quả trên nhiều mặt cũng như từng bước tạo sự thay đổi đồng bộ của một chu trình sản xuất nhằm nâng cao giá trị thu nhập của nghề trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên. 

Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp khẳng định: "Thực hiện kỹ thuật mới đưa tằm lên né gỗ ô vuông đã làm thay đổi cách làm truyền thống của người trồng dâu nuôi tằm nơi đây. Sự sâu sát, nhiệt tình của đội ngũ cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Dâu tằm tơ miền Bắc cùng đội ngũ cán bộ nông nghiệp huyện giúp các hộ nuôi tằm yên tâm áp dụng phương pháp mới. Kết quả của những lứa tằm đầu ươm kén theo phương pháp né gỗ ô vuông hết sức khả quan. Người nuôi tằm ở Báo Đáp hiện nay đang rất quan tâm đến phương pháp này và muốn áp dụng vào sản xuất".

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm.

"Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền của chúng ta để hỗ trợ cho xuất khẩu".

Cơ quan kiểm soát an toàn kỹ thuật phương tiện vừa yêu cầu kiên quyết từ chối đăng kiểm với những phương tiện lắp thêm đèn không đúng thiết kế.

Các phương tiện lưu thông trên cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)-chủ đầu tư dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi sẽ chính thức thu phí trở lại tuyến đường này kể từ 0 giờ ngày 27/10 sau khi được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho phép.

Ảnh minh họa.

Chậm nhất trong tháng 11/2018, Mobifone và VNPT được hoàn thành việc chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng với đó, Viettel sẽ thoái vốn cổ phần tại Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) theo hình thức đấu giá trọn lô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục