Thi công đường Sơn Thịnh - Suối Giàng chậm tiến độ: Vướng mắc do áp giá đền bù, cần đối thoại với dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/10/2018 | 8:01:25 AM

YBĐT - Công tác giải phóng mặt bằng chậm, là nguyên nhân dự án triển khai ì ạch, hiện còn nhiều điểm "xôi đỗ” trên tuyến không làm rãnh thoát nước được, do vướng mặt bằng sạch.

Công ty TNHH Hiệp Phú thi công tuyến đường Sơn Thịnh - Suối Giàng.
Công ty TNHH Hiệp Phú thi công tuyến đường Sơn Thịnh - Suối Giàng.


Ngày 30/6/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái ký Quyết định 1176/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, gia cố hồ chứa nước xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. 

Theo đó, ngoài việc nâng cấp, gia cố hồ chứa với dung tích 136.000 m3, còn thêm hạng mục: sửa chữa, nâng cấp đường từ xã Sơn Thịnh (quốc lộ 32) đến trung tâm xã Suối Giàng dài 12 km; làm đường xung quanh hồ, trồng rừng đầu nguồn và làm đường lâm nghiệp, đường ranh cản lửa trong phạm vi trồng rừng… 

Tổng mức đầu tư của Dự án 156 tỷ 635 triệu đồng, chủ đầu tư là Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, Liên danh Công ty TNHH Đồng Tiến và Công ty TNHH Hiệp Phú là nhà thầu thi công.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Dự án, nhiều hạng mục phải điều chỉnh, công tác giải phóng mặt bằng vướng mắc, mưa lũ làm sạt nhiều đoạn đường đã thi công với khối lượng lớn… nên đến thời điểm cuối tháng 10/2018, Dự án mới đạt hơn 90% kế hoạch, nhiều việc cần tiếp tục hoàn thiện. Trước đó, quá trình thi công đường xung quanh hồ đã chặt, đánh gốc, di chuyển nhiều cây pơmu gần 30 tuổi và chè Shan tuyết cổ thụ, vì nằm trong phạm vi hành lang đường. 

Để giữ cảnh quan, môi trường khu vực trung tâm xã Suối Giàng, UBND tỉnh đã điều chỉnh dự án từ 5 m xuống còn 2 m nhằm hạn chế việc phá bỏ cây pơmu, chè Shan, bảo vệ cảnh quanh môi trường... Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, là nguyên nhân dự án triển khai ì ạch, hiện còn nhiều điểm "xôi đỗ” trên tuyến không làm rãnh thoát nước được, do vướng mặt bằng sạch. 

Tại thôn Văn Thi 3, xã Sơn Thịnh còn 9 hộ chưa đồng thuận với chủ đầu tư Dự án về giá đất, kiến trúc đền bù, dù đã được vận động, tư vấn pháp luật. 

Ông Bùi Xuân Thiên, 88 tuổi, là công nhân cầu đường nghỉ hưu, người gắn bó với đường đi Suối Giàng từ khi khai thông tuyến và làm công nhân duy tu, bảo dưỡng tuyến đường này cho biết: "Tôi ở đây từ năm 1965, làm nhà ở và không tranh chấp với ai. Năm 2001, Nhà nước làm sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đồng loạt cho các hộ dân ở đây là 150 m2, còn lại là cấp đất cây lâu năm. Nay kiểm đếm đền bù theo giá đất cây lâu năm, tôi không đồng ý".

 Anh Nguyễn Tiến Nghĩa cùng thôn đưa ra các phiếu thu nộp thuế nhà đất hàng năm đề nghị phải được áp giá đất ở, chứ không thể áp giá đền bù đất cây lâu năm. Được biết, mức giá đền bù cây lâu năm là 23 nghìn đồng/m2, còn giá đất ở từ 400 nghìn đến dưới 1 triệu đồng/m2 (tùy theo cung đường). 

Các hộ bà Nguyễn Thị Hương, ông Nguyễn Tiến Nghĩa, ông Hà Văn Song… cũng kiến nghị giá đền bù chưa phù hợp, cần có đối thoại tích cực để triển khai GPMB cho Dự án.

Ông Hà Khoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn nói rõ thêm: "Việc GPMB chậm một phần là do người dân chưa thông chính sách, chúng tôi không thể tùy tiện áp giá đền bù cây lâu năm thành đất ở cho người dân được. Dù năm 2001, có việc huyện Văn Chấn cấp quyền sử dụng đất đồng loạt hạn mức 150 m2, còn lại là diện tích đất cây lâu năm nhưng người dân cũng không có ý kiến gì, bởi cái lợi của người dân là nộp thuế đất ít. Nay vướng GPMB, người dân đưa sổ đỏ ra gây sức ép với chính quyền là chưa xác đáng, với các hộ chưa có sổ đỏ việc áp giá đền bù rất thuận lợi theo phương pháp giá thỏa thuận, còn với các hộ có sổ đỏ rồi thì chính quyền phải làm theo luật quy định, không thể khác được”.

Theo quan sát của chúng tôi trên toàn tuyến, đơn vị tư vấn thiết kế không tính toán hết độ trượt mái ta-luy, chỉ sau một cơn mưa lớn đã gây sụt lún cục bộ một số đoạn. Đặc biệt, một đoạn đã thảm bê tông nhựa đã bị lún, khả năng mất an toàn giao thông lớn. Qua xác định ban đầu, nhiều khả năng xuất hiện hố cát-tơ do địa chất núi đá vôi của vùng núi này, khi khảo sát chưa tính toán đến... 

Việc khẩn trương đưa Dự án đường Sơn Thịnh - Suối Giàng vào sử dụng theo hợp đồng là rất cấp thiết, nhằm xóa đói giảm nghèo ở vùng núi cao gần 100% đồng bào Mông sinh sống. Mùa du lịch năm 2018, tỉnh chọn Suối Giàng làm điểm đến hấp dẫn trong Chương trình "Yên Bái - Trải nghiệm hành trình di sản”, với Lễ cúng cây chè Tổ, tái hiện các trò chơi dân gian, giã bánh dày, múa khèn Mông… thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế trải nghiệm. 

Mong rằng, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh và huyện Văn Chấn sớm có giải pháp "thấu lý đạt tình” trong GPMB với các hộ dân bởi số tiền hỗ trợ không nhiều; xem xét trách nhiệm đối với tư vấn thiết kế Dự án... và yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để đưa Dự án đường Sơn Thịnh - Suối Giàng vào sử dụng bảo đảm chất lượng theo quy định. 

Nguyễn Thanh

Các tin khác
Các cơ sở chưng cất tinh dầu quế góp phần quan trọng vào nâng cao giá trị kinh tế của cây quế.

YBĐT - Quế đã, đang là cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển quá nóng các nhà máy, cơ sở chế biến quế, tinh dầu quế sẽ gây những hệ luỵ khó lường.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và huyện Văn Yên kiểm tra rừng ở xã Nà Hẩu.

YBĐT - 70 xã vùng trọng điểm còn nhiều rừng, các địa phương đã ký hợp đồng bảo vệ rừng ngay từ đầu năm. Chi cụcKiểm lâm bố trí 100% xã trọng điểm có rừng đều có kiểm lâm địa bàn.

YBĐT - Năm 2018, thành phố Yên Bái tiếp tục tập trung cao độ cho chủ đề năm "Tăng cường quản lý đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật”.

Các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi.

Liên quan đến việc đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng bị hư hỏng, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa tiến hành họp kiểm điểm nội bộ xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, trong đó tạm đình chỉ công tác Giám đốc Ban Quản lý dự án Đà Nẵng- Quảng Ngãi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục