Đến hết tháng 9/2018, sản lượng thu hái chè búp tươi đạt 63.009 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ, đạt 84% kế hoạch. Chè sinh trưởng tốt, thời tiết thuận lợi, giá thu mua cao khiến nông dân phấn khởi, tự tin đầu tư chăm sóc, nên SXKD chè chắc chắn sẽ đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Hết tháng 9/2018, toàn tỉnh có 7.818,5 ha, giảm 691,5 ha so với năm 2017 (diện tích chè già cỗi, năng suất kém được chuyển đổi trồng loại cây khác có giá trị kinh tế cao), sản lượng chè búp tươi thu hái ước đạt 63.009 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ, đạt 84% kế hoạch.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở đã chế biến được trên 16.000 tấn chè thành phẩm; trong đó, có 70% chè đen, còn lại là chè xanh bán nội tiêu và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn phấn khởi cho biết, nhìn tổng thể cho thấy, diện tích chè đã giảm mạnh, nhưng những diện tích này chủ yếu là chè già cỗi, năng suất kém nên bà con chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn.
Được biết, toàn huyện có 4.671 ha chè; trong đó, có 4.171 ha chè kinh doanh, còn lại đang kiến thiết cơ bản. Phần lớn diện tích chè đều đảm bảo chất lượng đáp ứng cho chế biến; 60% diện tích là giống chè lai LDP1, LDP2; 28,7% giống chè Shan; 80 ha giống chè nhập nội và giống chè trung du chỉ còn chưa đầy 10%.
Giống tốt, thu hái đúng kỹ thuật, giá cao, nông dân tích cực đầu tư thâm canh nên năng suất đạt khá cao, sản lượng thu hái đạt gần 37.000 tấn, đạt 81% kế hoạch năm; giá trị thu từ chè đạt trên 345 tỷ đồng. Dự kiến những con số này còn tăng nhiều trong năm 2019 và những năm tiếp theo, bởi diện tích chè đã qua giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Huyện Văn Chấn vẫn giữ vững một số vùng nguyên liệu sản xuất tập trung chất lượng, năng suất cao, đạt 25 - 30 tấn/ha ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn, xã Sơn Thịnh tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng cho chế biến.
Ngoài việc phát triển vùng nguyên liệu chè bằng trồng thay thế, trồng mới, bằng các giống tiến bộ kỹ thuật, năng suất, chất lượng cao như LDP1, LDP2, Bát tiên, Shan... những năm qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm chè búp tươi như hình thành vùng sản xuất chè diện trên tích 2.000 ha, với 143 tổ sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tập trung ở 15 xã, thị trấn.
Sau khi tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP có 3 đơn vị đăng ký thực hiện chương trình nông nghiệp bền vững (SAN) và đã được cấp chứng nhận Rainforses Allice gồm Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, Công ty TNHH Chè Bình Thuận và Hợp tác xã Kiến Thịnh.
Qua thời gian thực hiện chương trình VietGAP, chất lượng sản phẩm chè búp tươi đã được cải thiện, hạn chế được hái chè già, chè dài, hái bằng liềm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Cùng đó, một số vùng sản xuất chè tập trung đã sử dụng biện pháp bón cân đối phân hữu cơ và vô cơ cho cây chè, thu hái chè được quản lý chặt chẽ giữa đơn vị chế biến và người trồng chè. Giá thu mua chè búp tươi từ đầu năm đến nay dao động từ 4.500 đến 5.000 đồng/kg; riêng đối với chè Suối Giàng giá chè búp tươi bình quân 20.000 đồng/kg.
Một nông dân ở xã Sơn Thịnh cho hay: với hơn 1 ha chè lai LDP1 trồng cải tạo từ năm 2011, đến nay chè sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao. Năm 2017 gia đình chị thu hái đạt 16 tấn/ha, bán thu gần 70 triệu đồng.
Bước vào năm 2018, gia đình tích cực đầu tư phân bón, cùng với thời tiết thuận lợi, từ đầu vụ đến giờ đã thu được 18 tấn, bán với giá bình quân 4.300 đồng/kg, thu được 77 triệu đồng và dự kiến đến hết vụ sẽ thu từ 2,5 - 3 tấn búp nữa.
Với năng suất, giá bán như hiện nay, người làm chè đã sống được từ chè. Toàn bộ sản lượng búp thu hái đều được các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn ký kết thu mua hết.
Nhiều doanh nghiệp còn ký trực tiếp với người dân và đầu tư phân bón để chăm sóc chè hiệu quả. Các doanh nghiệp đã chế biến được 12.000 tấn chè đen và 1.250 tấn chè xanh; sản xuất ra đến đâu tiêu thụ đến đó, giá trị đạt khoảng 345.000 triệu đồng.
Từ thực tế cho thấy, chè được trồng cải tạo, trồng thay thế bằng giống mới, nay đã và đang phát huy kết quả. Nếu hộ nào đầu tư chăm bón, thu hái đúng kỹ thuật cho năng suất cao đều đạt trên 15 tấn/ha.
Thị trường tiêu thụ ổn định, giá thu mua ở mức trên 4.000 đồng/kg thì người làm chè, doanh nghiệp chế biến đều sống được từ cây chè. Đó là những tín hiệu vui cho SXKD chè năm 2018 và những năm tiếp theo.
Thanh Phúc