Cánh đồng xã Bạch Hà được tưới mát bằng những con suối: ngòi Cáp, ngòi Gò Chùa, suối Hàm Rồng và nằm dưới chân các dãy núi có khí hậu đối ôn hòa, ngày nóng, đêm lạnh. Bởi đặc thù này, nên cùng một giống lúa nhưng đem đi cấy ở các xã lân cận, hương vị không thể sánh được gạo Bạch Hà.
Nhờ lợi thế này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Bạch Hà đã thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển vùng lúa đặc sản, xã Bạch Hà, huyện Yên Bình giai đoạn 2013 - 2016 và các năm tiếp theo.
Địa phương cũng đã tăng cường phối hợp với các nhà khoa học, các doanh nghiệp kinh doanh lúa giống ở các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa tiến hành các mô hình sản xuất, nghiên cứu, lựa chọn các giống lúa hợp lý, thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng gạo Bạch Hà.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, xã mở rộng và phát triển quy mô, quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa với vùng sản xuất lúa thơm chất lượng cao diện tích 50 ha/vụ tại các thôn: Gò Chùa, Hồ Sen, Phai Thao, Hàm Rồng, Ngọn Ngòi.
Năm 2014, gạo Bạch Hà đã vinh dự được UBND tỉnh tặng danh hiệu "Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” và thường xuyên được trưng bày tại các hội chợ, hội thảo sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và huyện.
Hiện, toàn xã có 154 ha lúa, năng suất bình quân đạt 55 tạ/ha, sản lượng hàng năm đạt trên 1.500 tấn, đảm bảo lương thực cho hơn 4.000 nhân khẩu và dư trên 550 tấn thóc để bán ra thị trường, doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng/năm.
Ông Trần Văn Thành ở thôn Hồ Sen cho biết: "Nhà tôi có hơn 1 mẫu ruộng. Toàn bộ diện tích này cấy bằng giống Chiêm hương, năng suất bình quân đạt hơn 2 tạ/sào, tuy không cao bằng lúa lai, nhưng giá lại cao hơn (giá từ 19.000 - 20.000 đồng/kg gạo). Từ trồng lúa, hàng năm gia đình lãi 25 triệu đồng”.
Với mục tiêu xây dựng sản phẩm gạo Bạch Hà trở thành thương hiệu có uy tín trên thị trường, từ tháng 3/2017, UBND huyện Yên Bình đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các nhà khoa học nghiên cứu về gạo Bạch Hà và xây dựng Dự án Xác lập quyền đối với Nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà” cho sản phẩm gạo của xã Bạch Hà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà” cho Hợp tác xã Nông nghiệp Bạch Hà.
Việc gạo Bạch Hà được trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quảng bá các sản vật của tỉnh và là cơ sở, tiền đề để người dân, doanh nghiệp của tỉnh có thể tổ chức sản xuất, phát triển sản xuất một cách ổn định.
Tuy nhiên, việc được cấp nhãn hiệu chỉ là bước khởi đầu, để gạo Bạch Hà giữ vững và trở thành thương hiệu mạnh thì địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật mới, giống mới theo hướng an toàn.
Các tập thể, hộ nông dân được cấp nhãn hiệu cần đẩy mạnh sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thực hiện đúng các kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch, kiểm soát tốt vấn đề chất lượng. Chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể và các cơ quan của tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phát triển kênh thị trường cho người dân.
Cùng đó, các tổ chức, cá nhân được sử dụng nhãn hiệu tập thể cần nâng cao tinh thần trách nhiệm nhằm duy trì danh tiếng và vị trí của sản phẩm gạo Bạch Hà trên thị trường. Có như vậy, gạo Bạch Hà mới vươn xa ở thị trường trong và ngoài tỉnh, đem lại thu nhập cao cho người trồng lúa.
Văn Thông