Hàng năm, Ban Chỉ đạo Công tác giảm nghèo huyện đã chủ động tham mưu với UBND huyện kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho các ngành thành viên, hướng dẫn, đôn đốc phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai các hợp phần dự án đầu tư cho các xã nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung các nguồn vốn đầu tư phù hợp trên nguyên tắc công khai, dân chủ.
Việc đánh giá nhu cầu, nội dung các dự án được bàn bạc, quyết định từ cơ sở, quá trình tổ chức thực hiện với sự tham gia của cộng đồng trong giám sát đầu tư, đóng góp ngày công…
Cụ thể, Chương trình 135 năm 2018, đầu tư dự án hỗ trợ sản xuất kinh phí 4 tỷ 536 triệu đồng; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng các xã ĐBKK có tổng vốn 29 tỷ 480 triệu đồng.
Trong đó, xây dựng các công trình chuyển tiếp năm 2017 sang năm 2018 là 5 công trình, vốn đầu tư 11 tỷ 380 triệu đồng gồm: đường liên thôn thôn Bản Rầu đi thôn Bản Chang, xã Phan Thanh; đường bê tông trục chính từ UBND xã Tân Lập đi thôn Ao Sen; đường bê tông thôn 1 xã Động Quan; cầu tràn thôn Sâm Trên, xã Khai Trung; đường bê tông UBND xã Tân Phượng đi xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Khởi công mới 16 công trình, tổng vốn đầu tư 18 tỷ 100 triệu đồng gồm: nhà văn hóa thôn Mỏ Cao, xã An Phú; đường giao thông thôn Tông Luông đi thôn Nà Tông, xã Khánh Thiện; đường bê tông liên xã Khánh Hòa; đường bê tông thôn 8 xã An Lạc…
Đầu tư xây dựng cơ bản các thôn, bản ĐBKK với kinh phí 5 tỷ 373 triệu đồng, trong đó, có 4 công trình chuyển tiếp, kinh phí 1 tỷ 890 triệu đồng; xây dựng mới 8 công trình với kinh phí 3 tỷ 483 triệu đồng… Đến nay, các công trình chuyển tiếp và xây dựng mới có tỷ lệ giải ngân vốn đạt gần 90% kế hoạch.
Ông Nguyễn Nguyên Đúng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Lục Yên cho biết: "Lục Yên là huyện có 24 xã, thị trấn, trong đó, 15 xã và 15 thôn, bản ĐBKK với 23 dân tộc chung sống. Là cơ quan thường trực của huyện trong tổng hợp các chương trình, dự án hỗ trợ các xã và thôn, bản ĐBKK, chúng tôi thường xuyên gắn bó với cơ sở, tiếp xúc với nhân dân và thấy tư tưởng của nhân dân rất phấn khởi được Đảng, Nhà nước đã quan tâm đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn; hỗ trợ người dân sản xuất hàng hóa; cơ sở chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, gia cầm và dự án hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo và chương trình tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật…"
"Từ các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc, vùng ĐBKK nên đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, góp phần mỗi năm huyện giảm trên 5% hộ nghèo" - ông Đúng thông tin.
Do thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nên diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt hàng năm của huyện Lục Yên luôn duy trì ổn định ở diện tích trên 12.611 ha, trong đó, cây lúa đạt 7.244 ha, sản lượng thóc đạt trên 40.000 tấn.
Huyện đã hình thành vùng lúa thâm canh tập trung chất lượng cao ở các xã: Mường Lai, Minh Xuân, Liễu Đô, Vĩnh Lạc...; diện tích ngô trên 5.300 ha, sản lượng đạt trên 20.000 tấn.
Cùng với các cây trồng chủ lực, nhiều diện tích cây công nghiệp ngắn ngày cũng được đưa vào gieo trồng với diện tích trên 2.000 ha/năm. Hiện nay, giá trị kinh tế đất canh tác 3 vụ/ha/năm đất của huyện đạt trung bình trên 120 triệu đồng/ha/năm.
Cùng với các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân thuộc hộ nghèo vùng ĐBKK còn được hưởng các chế độ, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tiền điện; trẻ em từ 3 - 5 tuổi thuộc vùng khó khăn, được hỗ trợ tiền ăn trưa, được cấp bù học phí; người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội...
Từ việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, hiện nay, hệ thống đường giao thông đến các xã, thôn, bản của huyện Lục Yên được đầu tư nâng cấp và bê tông hóa theo các tiêu chí về XDNTM.
Nhiều công trình thủy lợi, trường lớp học, cơ sở y tế, nhà văn hóa thôn, được đầu tư, tạo điều kiện để con em vùng ĐBKK được đến trường.
Đây là động lực quan trọng để kinh tế - xã hội của huyện Lục Yên tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.
Thái Hưng