Đầu tiên phải nói đến Làng nghề sản xuất miến dong thôn Ngòi Đong, xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái nằm bên hữu ngạn con sông Hồng quanh năm đỏ nặng phù sa. Nơi đây, nghề làm miến đã có từ hơn nửa thế kỷ.
Trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng bị mai một song nhờ những người luôn tâm huyết với nghề nên làng miến Giới Phiên đã có cơ hội phát triển đến ngày nay. Nhờ làm miến, cuộc sống của người dân thôn Ngòi Đong nói riêng và xã Giới Phiên nói chung đã có nhiều đổi thay.
Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Đong Nguyễn Danh Trường phấn khởi: "Miến ở đây được làm 100% từ củ dong riềng, không chất phụ gia, không dùng hóa chất tẩy trắng nên được thị trường ưa chuộng. Miến làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó.
Trung bình mỗi năm, xã Giới Phiên cung ứng ra thị trường khoảng 500 – 600 tấn miến, góp phần tạo việc làm và mang về lợi nhuận hàng chục tỷ đồng cho người dân địa phương”. Hiện tại, xã Giới Phiên đã thành lập được Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu tập thể "Miến đao Giới Phiên”. Điều này không chỉ giúp cho sản phẩm miến Giới Phiên đứng vững trên thị trường mà còn tạo động lực giúp người dân làng miến thôn Ngòi Đong giữ trọn chữ "tâm” với nghề.
Rời làng miến thôn Ngòi Đong khi những chuyến xe chở miến vẫn đang nối đuôi nhau ngược xuôi, chúng tôi tới làng nghề trồng và chế biến chè xanh thôn Trực Thanh, xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên - nơi có những vườn chè xanh mướt, trải dài tít tắp. Thấp thoáng trong màu xanh của chè là những ngôi nhà xây kiểu dáng hiện đại như tô thêm sắc thắm của mùa xuân đang về và khẳng định sức vươn lên của xã nông thôn mới.
Là một trong những thôn trọng điểm của xã Bảo Hưng về trồng chè với diện tích và sản lượng chiếm tới 70% sản lượng chè của toàn xã, năng suất chè búp tươi trung bình đạt 9-10 tấn/ha/năm, trong 2 năm, 2016 - 2017, doanh thu từ sản xuất, chế biến chè của riêng thôn Trực Thanh đạt hơn 11,6 tỷ đồng.
Để có được sản phẩm chè nổi tiếng thơm ngon, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, người dân thôn Trực Thanh nói riêng và xã Bảo Hưng nói chung đã dồn cả tâm, trí, lực cho việc trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè. Với việc sản xuất, chế biến chè theo công nghệ VietGAP và thay thế, cải tạo các giống chè cũ bằng các giống mới cho năng suất, sản lượng cũng như giá thành của sản phẩm chè Bảo Hưng hôm nay cao gấp 3, 4 lần chè thường trước kia.
Năm 2017, làng nghề đan rọ tôm ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, huyện Yên Bình cũng đã đủ các tiêu chí, được UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận. Đây là làng nghề được xuất hiện từ khi có hồ Thác Bà.
Trải qua thời gian dài không ngừng phát triển, nghề đan rọ tôm đã gắn bó với người dân thôn Đồng Tâm và đem lại nguồn thu nhập chính cho các gia đình sinh sống ở vùng Đông hồ. Hiện nay, trên 80% hộ dân trong thôn giữ nghề đan rọ, mỗi năm sản xuất được khoảng 1,5 triệu chiếc, thu về hơn 5,4 tỷ đồng.
Để sản phẩm của các làng nghề thực sự trở thành cái "gốc” phát triển kinh tế bền vững, ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho nhân dân, tỉnh Yên Bái đã và đang tiếp tục xây dựng những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, phát huy hơn nữa tiềm năng thế mạnh của từng địa phương; thu hút nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã vào phát triển làng nghề theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa nhưng vẫn giữ được cảnh quan môi trường; nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm và dịch vụ của các làng nghề, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Hồng Oanh