Những ngày giáp tết, trên khắp những con đường từ thị trấn Nông trường Liên Sơn vào đến Nậm Lành, Sùng Đô, An Lương, Sơn Lương, Suối Quyền, huyện Văn Chấn, rất dễ thấy hình ảnh những người nông dân chở theo những bó chít còn lẫn sương sớm xuống núi hay hình ảnh chít phơi phủ kín khắp các nương chè, hiên nhà hay bất cứ nơi nào có đất trống.
Đó là mùa chít – mùa một năm chỉ có một lần đem tới một nghề phụ cho người dân lúc nông nhàn mà lại có thêm thu nhập, thêm thắt cho cái tết trọn vẹn.
Nhiều năm trở lại đây, cứ từ tháng 1 đến tháng 2 hàng năm, gia đình chị Triệu Thị Tàn ở xã Suối Quyền thường tranh thủ thu hái chít mỗi khi lên rừng kiếm củi hay chăm sóc đồi quế.
Đây là khoảng thời gian rỗi việc, nương ngô đã cho thu hoạch, ruộng lúa còn chưa tất bật cày cấy, bởi vậy, trước đây, gia đình chị thường quanh quẩn chăm vài con gà, con lợn chứ không có nghề gì tạo ra thu nhập.
Chị Tàn chia sẻ: "Từ 5 năm trở lại đây, người ta thu mua chít nhiều, giá cũng khá cao, gia đình lại rỗi việc nên thường vào rừng hái chít rồi bán lại cho các điểm thu mua. Như ngày hôm nay, hai vợ chồng tôi vào rừng hái nửa buổi cũng được 30 kg chít, thu được 200.000 đồng. Từ giờ đến tết, gia đình tôi chịu khó đi rừng hái chít, cũng phải thu về được 1-2 triệu đồng nữa, đủ để cho gia đình con cái có cái tết no ấm hơn”.
Anh Giàng A Lểnh ở xã Sùng Đô đang cân chít gần đó cũng cho biết thêm: "Từ đầu vụ chít đến giờ, ngày nào, mấy anh em tôi cũng thu về từ 300.000 - 400.000 đồng từ việc bán chít. Chúng tôi đang tập trung anh em trong gia đình đi hái chít vào thời gian trước tết này, vừa để có thêm thu nhập sắm sửa cho tết vừa tận dụng thời gian chít non bán được giá cao. Chứ không ra tết, chít già dần thì giá rẻ lắm”.
Không chỉ có những người bán chít mà ngay cả những hộ năng động đứng ra thu mua cũng có thêm việc làm và thu nhập. Nhận thấy lượng chít từ trên rừng bỏ không lãng phí trong khi người dân lại rỗi việc trong khoảng thời gian chờ xuân, nhiều hộ dân ở xã Sơn Lương, Sơn A, thị trấn Nông trường Liên Sơn đã nhanh nhạy mở các điểm thu mua chít tươi.
Chít sau khi thu mua sẽ được đập cho bớt hạt, phơi khô tự nhiên rồi bán lại cho các thương lái, các cơ sở sản xuất chổi chít khắp trong và ngoài tỉnh.
Gia đình anh Vũ Đức Cường ở thị trấn Nông trường Liên Sơn đã hơn 10 năm làm nghề thu mua chít tươi cho biết: "Tranh thủ những ngày chè còn đang nghỉ dưỡng để cho vụ mới, gia đình tôi lại thu mua chít. Ngày trước, còn phải đi xe vào tận trong các bản, các xã để thu mua chít tươi. Còn nay, việc mua bán chít đã thành thói quen, người dân tự thu hái và mang tới tận nhà cho mình. Mỗi ngày, gia đình tôi thu mua trung bình hơn 1 tấn chít tươi, mỗi vụ thu mua được 60-70 tấn chít tươi”.
10 kg chít tươi sau khi phơi thu được từ 3-3,5 kg chít khô, bán lại cho thương lái với giá từ 22.000-27.000/kg. Vì thế, 1 kg chít tươi chỉ thu lãi từ 200 - 300 đồng. Đây là con số rất nhỏ, tuy nhiên, vụ chít năm nào, mỗi hộ dân thu mua chít nơi đây cũng thu về từ 10-20 triệu đồng từ nghề phụ này.
Từ nghề hái chít hay buôn chít, rất nhiều người dân ở các xã vùng cao của huyện Văn Chấn đã có thêm việc làm, thêm thu nhập. Từ đó mà họ có cái tết đầy đủ, no ấm hơn…
H.A