Nhiều năm qua, ở huyện Trấn Yên từ vùng thấp đến vùng cao đều tích cực trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, thay thế những nương đồi kém hiệu quả bằng những giống cây trồng mới năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và bình quân mỗi năm trồng mới và trồng thay thế từ 2.000 - 2.500 ha (quế, keo, bồ đề, mỡ, tre Bát độ, ...); duy trì độ che phủ rừng trên toàn huyện đạt 69,5%.
Cùng với trồng cây gây rừng, Trấn Yên còn tạo điều kiện khuyến khích ngành nghề chế biến gỗ, tạo nên chuỗi giá trị, mang lại lợi ích kinh tế, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng, nâng cao đời sống người dân, tạo sự đồng thuận của người dân trong quản lý bảo vệ rừng, thời gian qua, việc thực hiện cơ chế chính sách bảo vệ, phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã được địa phương thực hiện có hiệu quả cao.
Đặc biệt, trong việc thực hiện, giao khoán bảo vệ rừng, giao đất, giao rừng, cho thuê rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp. Việc thực hiện các cơ chế chính sách bảo vệ, phát triển rừng đã đi vào nền nếp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, gắn với chính sách xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống kinh tế của người dân.
Nhằm thúc đẩy phong trào trồng rừng, tạo không khí thi đua lao động sản xuất; qua đó, tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng, hàng năm cứ dịp đầu xuân năm mới, huyện đều tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ vào ngày mùng 5 hoặc mùng 6 tết.
Trồng cây nhớ Bác vào dịp đầu xuân đã trở thành truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trong huyện trong những ngày vui tết, đón xuân, đem lại những kết quả to lớn, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội.
Qua việc tổ chức Tết trồng cây, các cấp, ngành tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, bão lũ diễn biến bất thường, sức tàn phá ngày càng lớn, đe dọa cuộc sống con người, phát triển kinh tế bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường đã trở thành yêu cầu bức thiết đối với mọi quốc gia. Việc trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng ngày càng có ý nghĩa quan trọng, mang tính chiến lược...
Ghi nhớ và làm theo lời dạy của Bác Hồ "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Hiểu được ý nghĩa to lớn của việc trồng cây gây rừng, các cơ quan, đơn vị, trường học đều tổ chức Tết trồng cây vào ngày mùng 5 hoặc mùng 6 tết, tạo ra bầu không khi vui tươi, thúc đẩy phong trào trồng cây gây rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp tại gia đình, địa phương.
Tuy nhiên, Tết trồng cây trước đây chỉ tập trung trồng cây phân tán, tạo cảnh quan, bóng mát... Từ năm 2015, huyện Trấn Yên đều lựa chọn một địa phương để tổ chức Tết trồng cây, gắn với nhiệm vụ trồng rừng tập trung, đặc biệt là trồng tre măng Bát độ - một đối tượng cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, khối lượng hàng hóa lớn.
Xuân mới Kỷ Hợi - 2019 đã về trên quê hương Trấn Yên. Cây cối đang đâm chồi, nảy lộc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện vui xuân mới, mừng thắng lợi mới và bắt tay ngay vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh, sớm đạt mục tiêu huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Để mở đầu cho một năm phấn đấu vươn lên, chắc chắn sẽ là một buổi phát động Tết trồng cây tươi vui, ý nghĩa. Được biết, năm 2019, huyện Trấn Yên đề ra mục tiêu trồng 2.520 ha; trong đó, trồng rừng tập trung 1.800 ha, phân tán 720 ha.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, mọi công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo như: chuẩn bị giống, xử lý thực bì, đào hố, bỏ phân; những buổi tập huấn kỹ thuật đã được tổ chức ngay tại các thôn bản… nông dân các xã Hồng Ca, Lương Thịnh, Việt Hồng, Việt Cường… chỉ đợi xuân sang là đưa cây lên rừng trong không khí tươi vui của một mùa xuân mới.
Lê Phiên