Nhanh tay rút kén từ bàn gỡ cùng lúc 776 lỗ kén của một né gỗ ô vuông, chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Đồng Sâm nức lời: "Nhàn lắm cô à, chả mất nhiều công bóc như né tre nữa. Đây này, cô nom, kén to, sạch sẽ, trắng tinh, đều chằn chặn, thích không rời nổi mắt!”.
Đôi bàn tay chị thoăn thoắt, nhịp nhàng như múa trên những né kén liên tiếp đưa ra khỏi giá treo. Niềm vui của chị Thúy chính là câu chuyện rất mới, rất "thời sự” không riêng Đồng Sâm xôn xao, hứng khởi mà trải rộng dài khắp vùng dâu xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên trong vụ thu năm 2018: đưa tằm lên né gỗ ô vuông thay cho né tre truyền thống.
Nụ cười đầy nắng của chị gợi nhớ chia sẻ của ông Vũ Văn Hóa - Trưởng thôn Nhân Nghĩa. Ông Hóa nói, bao nhiêu ưu điểm của né gỗ thì bấy nhiêu người sử dụng đều thấy cả rồi.
Còn có điều nữa mà vợ ông - bà Nguyễn Thị Liên cực kỳ thích: "Né tre sắc, muốn gỡ kén nhanh thì bà nhà tôi cũng như mọi người dùng tay bới bới nên bị xước xát hết. Kỹ thuật mới dùng bàn gỡ kén né gỗ, rút vừa nhanh lại tiện, sức lao động được giải phóng, đôi tay làm tênh tênh, bà ấy mê luôn”.
Kén khô, đẹp màu, tăm tắp cả ngàn quả khuôn cỡ như một nên năng suất tăng, giảm hẳn kén đôi, kén ba, đáp ứng yêu cầu cho quá trình ươm tơ tự động của doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm: Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc. Doanh nghiệp này ký kết hợp đồng liên kết đầu tư nuôi tằm và tiêu thụ kén tằm dâu với các tổ hợp tác, hộ dân trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện.
Đây cũng là cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện Đề án phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Báo Đáp nằm trong số địa phương tham gia Đề án. Đưa tằm lên né gỗ ô vuông - một nội dung chuyển giao khoa học kỹ thuật khâu nuôi tằm thương phẩm đã cho hiệu quả rõ nét ngay lập tức.
Nhận hỗ trợ và sử dụng né gỗ ô vuông đợt đầu trong xã, bà Trần Thị Thêm, thôn Đình Xây rổn rảng nhắc chuyện: "Ấy, lúc đầu còn lắm tiếng vào lời ra, nào chắc gì đã hơn né tre, nào né mỏng thế thì được mấy kén, nào cứ phải nghe lời người khác bảo làm sao làm nấy chả gò bó quá… Chỉ sau mỗi lứa đầu, không khí đã khác hẳn, thấy sướng hơn lắm rồi, xin đăng ký làm né nhanh”.
Đến chính ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã cũng cứ trao đổi say sưa: "Ưu điểm khỏi cần nói thêm nhưng hay nhất là việc sử dụng né gỗ đã tạo ra đòn bẩy nâng cao chất lượng sản phẩm kén tằm. Người trồng dâu nuôi tằm phải tự hỏi tại sao cùng cây dâu trên đất ấy, cùng con tằm giống lấy về, cùng né gỗ nhận như này mà nhà khác kén lại đẹp hơn, nhà kia năng suất cao thế, nhà nọ được khen tốt vậy… Giá sàn doanh nghiệp thu mua kén tằm là 110.000 đồng/kg nhưng cũng phân loại cụ thể nên có các mức khác nhau, bắt buộc người nuôi tằm không thể không bước vào một cuộc cạnh tranh lành mạnh rất hào hứng”.
Cuộc cạnh tranh lành mạnh, hào hứng bắt nguồn từ chính cây dâu, con tằm đem đến hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn bất cứ loại cây nào, con nào trên đồng đất Báo Đáp này cho đến thời điểm hiện tại. Câu chuyện liên kết sản xuất trồng dâu, nuôi tằm, bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp có nhiều điều khiến họ quan tâm thật sự.
Khởi đầu quá trình được thực hiện khoa học, đồng bộ của doanh nghiệp đã làm chuyển biến nhận thức của người trồng dâu, nuôi tằm về một nền sản xuất an toàn, hiệu quả, bền vững trong xu thế phát triển tất yếu. Tất nhiên điều này các tư thương thu mua kén tằm suốt những năm qua trên địa bàn chưa làm được.
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã thổ lộ nỗi niềm thay họ: "Nhìn lại quá khứ chỉ có vài ba héc-ta đến 90 ha dâu hiện nay, đời sống người trồng dâu nuôi tằm đổi thay, có nguồn thu khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm là thật sự trân trọng đóng góp của các tư thương thu mua kén tằm đã có mặt nhiều năm ở địa phương. Thời điểm này, có lẽ sứ mệnh của họ sẽ dần nhường lại cho doanh nghiệp một cách rất khách quan”.
Gần năm chục thành viên đầu tiên của xã tham gia 3 tổ hợp tác: Đình Xây, Đồng Ghềnh, Nhân Nghĩa nhận hỗ trợ hơn 200 né gỗ đã trải nghiệm niềm vui.
Ông Lê Văn Tiến - Tổ trưởng Tổ hợp tác Đình Xây đã gần hai mươi năm nay gắn bó với cây dâu, con tằm nhưng vẫn háo hức vô cùng: "Tham gia Tổ hợp tác, được hướng dẫn kỹ thuật chuẩn, được cung ứng giống tằm tốt, được hỗ trợ né gỗ tiện lợi rồi thuốc khử trùng, vôi bột… lại được thu mua toàn bộ sản phẩm với giá tương xứng chất lượng kén tằm nên tôi càng phấn khởi, yên tâm làm nghề. Quan trọng hơn, tôi hiểu hơn về việc phải sản xuất an toàn, bền vững từ khâu trồng dâu đến khâu nuôi tằm”.
Sản phẩm kén tằm né gỗ, giá thu mua Công ty bảo đảm suốt vụ thu 2018 luôn đạt mức 120.000 - 130.000 đồng/kg. Thống nhất trách nhiệm, hài hòa lợi ích giữa hai bên có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự tuân thủ các nội dung theo hợp đồng ký kết cũng như không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm kén tằm.
Ông Trần Văn Trình - thành viên Tổ hợp tác Đồng Ghềnh khẳng định: "Doanh nghiệp hỗ trợ đắc lực và hiệu quả, tăng năng suất và chất lượng kén tằm, thu nhập càng thêm cao, chúng tôi tự nhắc mình và nhắc nhau cùng thực hiện hợp đồng nghiêm túc. Lợi ích của mình cũng là lợi ích của doanh nghiệp, không vì lợi ích trước mắt mà đánh mất lợi ích lâu dài”.
Nếu như tâm lý còn chút ngại ngần thì sau một, hai, ba lứa tận mắt thấy hiệu quả của các thành viên sử dụng né gỗ, số hộ dân trồng dâu nuôi tằm đăng ký vào các tổ hợp tác sẽ tăng dần và chưa dừng lại.
Ông Nguyễn Ánh Dương - Tổ trưởng Tổ hợp tác Đồng Ghềnh cho rằng: "Người dân thấy thiết thực thì sẽ làm theo, khi đó không cần tuyên truyền, vận động nữa. Các thành viên đầu tiên chúng tôi cố gắng làm thật tốt, giữ uy tín, vừa lợi mình vừa lợi chung, chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm để cùng phát triển”.
Người Báo Đáp tháng tháng năm năm trồng cây dâu, nuôi con tằm bằng tấm lòng tận tâm. Cây dâu, con tằm đáp đền cho họ một cuộc sống tốt đẹp hơn. Con tằm ăn lá dâu xanh, trọn kiếp rút ruột nhả tơ dệt lụa đời mát lành, lắng đọng, đượm sâu như ân tình tháng năm của con người yêu đời dâu, thương kiếp tằm theo nghiệp tơ vương.
Một vòng tròn chuyển động không ngừng của chữ "tín”: trước là của người làm nghề dành cho cây dâu, cho con tằm; tiếp là của cây dâu, của con tằm đối với người chăm nuôi hôm sớm; sau là của doanh nghiệp trong mọi lời nói, hành động nhất định sẽ làm nên thành công lâu bền.
Một nhà máy ươm tơ tự động, những sản phẩm tơ tằm của chính người Báo Đáp, của chính người Trấn Yên sẽ là niềm tự hào, niềm hạnh phúc mà họ đang hướng tới và chung sức tạo dựng. Tương lai gần cho một cánh đồng kiểu mẫu Đồng Trạng, cho một vùng dâu Báo Đáp 200ha sản xuất hữu cơ, cho một làng nghề dâu tằm phát triển phải dựa trên từng việc làm của mỗi hộ dân từ hôm nay.
Chính xác như điều ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp khẳng định: "Không chỉ là những kỹ thuật mới, không chỉ là ràng buộc trách nhiệm, quan trọng hơn tất cả là người trồng dâu nuôi tằm Báo Đáp có nhận thức mới, tư duy mới, hành động mới để xây dựng một nền sản xuất hiện đại theo xu thế tất yếu”.
Nguyễn Thơm