Cùng chị Lò Thị Thúy - Bí thư Đoàn xã Nghĩa Lợi đến thôn Bản Xa - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, chúng tôi được giới thiệu tham quan trang trại trồng phong lan của anh Lò Văn Dũng. Đây là mô hình tiên phong trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp của Đoàn xã Nghĩa Lợi; đồng thời, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho thanh niên địa phương. Choáng ngợp trước vườn lan với nhiều loại quý hiếm đang đua nhau khoe sắc với những cái tên: Trầm tím, Phi điệp Yên Bái, Tam bảo sắc, Ý ngọc, Long tu xuân, Kiều tím vàng…
Anh Dũng cho biết: "Những năm gần đây, thị trường phong lan được nhiều người ưa chuộng. Nắm bắt thời cơ và tận dụng sự ưu đãi của khí hậu, năm 2017 mình bỏ nghề lái xe khách về nhà trồng lan rừng và khởi nghiệp bằng 45 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Nghĩa Lộ”. Với khu vườn rộng 500 m2, anh Dũng đi khắp những cánh rừng trong tỉnh và vùng Tây Bắc để tìm giống lan.
"Càng đi, càng khám phá ra ở rừng Tây Bắc có nhiều giống lan quí như: Hoàng thảo, Thanh đạm, Hạc đính, Giáng hương, Ngọc điểm, Phượng vĩ, Cẩm báo, Vân đa, Hài, Gấm, Thạch hộc. Mỗi nhánh lan rừng mang về, việc đầu tiên là cắt bỏ rễ chết; sau đó, lựa chọn giá thể nuôi cho phù hợp. Đồng thời, phải kiên nhẫn với thời gian khá dài chăm sóc, thuần hóa thì lan rừng mới thích ứng môi trường sống mới, nở hoa đẹp" - anh Dũng chia sẻ.
Nhờ học hỏi từ sách báo, trao đổi kinh nghiệm với những người trồng lan lâu năm nên kỹ thuật trồng, chăm sóc lan của anh Dũng rất bài bản, đảm bảo mỗi nhánh lan qua tay anh trồng, chăm sóc đều sinh trưởng tốt.
Anh Dũng cho biết thêm: yếu tố quan trọng nữa là người trồng lan cần phải có niềm đam mê, chịu khó để hiểu rõ tập tính từng loại, bởi mỗi loại lan rừng đều có giá trị riêng như vẻ đẹp tự nhiên, ra hoa đúng mùa, hoa nở dài ngày, mùi hương rất đặc trưng khác biệt so với hoa lan lai, ghép...
Sau một năm trồng, nhân giống, vườn lan của anh Dũng đã có hơn 400 giỏ với giá bán trung bình từ 300 nghìn đến vài triệu đồng; một số giỏ có giá tới hàng chục triệu đồng. Hiện, trang trại phong lan cho thu nhập 100 - 120 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 2 lao động. Dự kiến năm 2019, anh Dũng mở rộng lên 1.000 m2, nâng mức doanh thu lên 220 triệu/năm, tạo việc làm cho 4 lao động.
Đoàn xã Nghĩa Lợi hiện có gần 500 ĐVTN, sinh hoạt ở 12 chi đoàn. Qua Phong trào Thanh niên chủ động sáng tạo khởi nghiệp, lập nghiệp đã có 13 mô hình phát triển kinh tế của ĐVTN cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Điển hình như trang trại của đoàn viên Điêu Sông Thao ở thôn Phán Thượng với mô hình nấu rượu, nuôi lợn, dịch vụ xay xát, 2 ô tô vận tải, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 3 lao động; trang trại của đoàn viên Lò Văn Duy, thôn Phán Hạ nuôi 3.000 con gà ri chân vàng cũng đang mở ra triển vọng kinh tế khả quan.
Anh Chu Quốc Hoàng - Bí thư Thị đoàn Nghĩa Lộ cho biết: những năm gần đây, Đoàn xã Nghĩa Lợi là một trong những cơ sở đi đầu trong Phong trào Thanh niên chủ động sáng tạo khởi nghiệp, lập nghiệp. Có được kết quả này là do Đoàn xã đã chú trọng tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp; phối hợp với các tổ chức tín dụng nhận ủy thác vay vốn cho ĐVTN; tăng cường hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật giúp ĐVTN vươn lên làm giàu.
Với khát vọng làm giàu cùng sự đồng hành của Thị đoàn dựa trên Chương trình "Thanh niên Yên Bái sáng tạo khởi nghiệp và lập nghiệp” gắn với Phong trào "Tuổi trẻ Nghĩa Lộ chung tay xây dựng nông thôn mới”, hiện nay, thị xã có 86 mô hình thanh niên làm kinh tế với thu nhập trên 100 triệu đồng.
Điển hình như Bí thư Chi đoàn thôn Ả Hạ, xã Nghĩa Phúc - Đinh Đức Hạnh đã mạnh dạn đưa gà ri thuần vào nuôi theo hướng công nghiệp. Mô hình 1.000 con gà với hơn 100 triệu đồng đầu tư đang chuẩn bị xuất bán vào dịp tết. Với giá bán 90 - 110.000 đồng/kg, trung bình 1 lứa gà anh Hạnh bán 2 tấn và sau khi đã trừ chi phí sẽ cho thu trên 50 triệu đồng.
Ngoài ra, còn có các mô hình hiệu quả khác như: mô hình chăn nuôi tổng hợp 1.000 con gà, nuôi trâu, bò lợn thương phẩm của đoàn viên Hoàng Văn Hòa ở phường Cầu Thia; trang trại nuôi gà đồi và trồng cam của đoàn viên Lò Văn Lượng phường Pú Trạng...
Khi đến thăm những mô hình kinh tế này, chúng tôi cảm nhận được hoài bão, nghị lực vươn lên của những ĐVTN biết tự thay đổi cuộc đời bằng cách làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời, vai trò của Thị đoàn đã trở thành điểm tựa vững chắc cho ĐVTN vươn lên làm giàu.
Anh Dũng - Ngọc Sơn