Xác định quế là cây trồng chủ lực để xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, từ năm 2006, xã đã có kế hoạch vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng quế, đầu tư thâm canh chăm sóc tốt những diện tích quế đã trồng và những diện tích trồng mới.
Bình quân mỗi năm, xã trồng mới gần 200 ha quế, đến nay tổng diện tích quế toàn xã có trên 3.100 ha, ở rải rác 5/5 thôn, bản của xã nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là 3 thôn: Đoàn Kết, Làng Mới, Khe Phẩy, trong đó trên 50% diện tích đến kỳ khai thác, mỗi năm xuất bán 700 - 800 tấn vỏ quế khô các loại, thu về trên 40 tỷ đồng cho người dân trong xã.
Cùng với 8 xã trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện, quế ở Đại Sơn đã được khẳng định vị thế, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng, bởi vậy, cây quế đã khẳng định là cây trồng chủ lực của địa phương.
Ông Lý Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn cho biết: "Là cây kinh tế chủ lực, mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu của nhân dân, hàng năm, xã đều khuyến khích người dân phát triển mở rộng diện tích quế cũng như giữ vững và bảo tồn giống gien quế của địa phương, hàng năm xã đều vận động nhân dân tập trung đưa những giống quế bản địa vào trồng để năng cao sản phẩm quế giống của địa phương. Nhờ phát triển cây quế, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm xuống còn dưới 30%, trên 40% số hộ cũng đã vươn lên thoát nghèo; khoảng 20% số hộ trong xã có kinh tế khá và giàu nhờ loại cây trồng này”.
Nói đến hộ trồng nhiều quế nhất Đại Sơn hiện nay phải kể đến gia đình ông Đặng Văn Tài, thôn Khe Phẩy với diện tích 20 ha.
Ông Tài cho biết: "Trước đây, gia đình tôi cũng chỉ trồng có vài héc-ta, còn chủ yếu là trồng cây lâm nghiệp khác và canh tác thêm ngô sắn, khi thấy cây quế có giá trị kinh tế, tôi mua thêm những diện tích đất rừng của các hộ dân khác để canh tác, ai bán ít, bán nhiều tôi cũng mua, từ chỗ chỉ có hơn 7 ha, đến nay gia đình tôi đã có 50 ha quế từ 2 năm đến hơn 20 năm tuổi, mỗi năm bán tỉa gia đình tôi cũng có vài trăm triệu đồng”.
Ông Hoàng Minh, thôn Đoàn Kết cũng vậy, từ một hộ nghèo nhất nhì trong thôn, đến nay, gia đình ông đã có trên 20 ha quế từ 2 năm đến 20 năm tuổi, trị giá hàng tỷ đồng. Ông Minh cho biết: "So với các loại cây lâm nghiệp khác thì quế có giá trị hơn rất nhiều, nếu chăm sóc tốt khoảng 4 năm là có thể tỉa thưa những diện tích trồng dầy để bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu quế, những cây còn lại chịu khó chăm sóc tốt thì 8 năm là có thể thu hoạch được, nếu không có việc gì quan trọng thì càng để lâu quế càng có giá trị, còn có việc cần đến tiền, quế 8 năm tuổi nếu khai thác trắng cũng có vài trăm triệu là chuyện bình thường”.
Đi đôi với việc khuyến khích người dân trồng quế, xã Đại Sơn cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cây giống bằng việc bảo tồn những cây quế giống có đường kính từ 30 cm, cao từ 15 m trở lên để nhân giống phục vụ việc phát triển diện tích quế của địa phương.
Với những ưu thế vượt trội đem lại, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở Đại Sơn. Để tiếp tục nâng cao vị thế cây quế, nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác sản phẩm, xã tiếp tục vận động nhân dân tiếp tục duy trì và bảo tồn quế giống để lưu giữ nguồn gien quế phục vụ cho nhu cầu phát triển cây giống của địa phương, tiếp tục đầu tư thâm canh mở rộng diện tích quế để ổn định vùng nguyên liệu.
Lê Thanh