Chào mừng Lễ hội quế Văn Yên lần thứ III năm 2019: Phát triển đa dạng sản phẩm quế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/10/2019 | 8:18:11 AM

YênBái - Với diện tích trên 40.000 ha, Văn Yên từ lâu đã trở thành vùng sản xuất chuyên canh quế lớn nhất toàn quốc. Cây quế đã hiện diện ở cả 27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây quế được giới thiệu tại hội chợ trong và ngoài huyện.
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây quế được giới thiệu tại hội chợ trong và ngoài huyện.

Để khai thác tối đa giá trị của loại cây này, huyện đã có nhiều giải pháp để giữ gìn thương hiệu, phát triển đa dạng các sản phẩm từ quế. Cùng với đó vận động nhân dân tích cực đầu tư, mở rộng diện tích trồng quế tập trung theo vùng với các giống quế chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.


Văn Yên được mệnh danh là "vương quốc” của loài quế. Cây quế đã hiện diện ở cả 27 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Để khai thác thế mạnh cây quế, huyện Văn Yên đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cũng như giá trị kinh tế cho người trồng quế. 

Huyện đã chỉ đạo xây dựng công tác "Xác lập quyền đối với Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” và đã được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam; đặc biệt năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Văn Yên, sản phẩm Quế vỏ. 

Để cây quế có sức cạnh tranh trên thị trường, huyện Văn Yên đang tập trung chỉ đạo duy trì diện tích trồng quế; ưu tiên quy hoạch phát triển vùng trồng quế sạch, quế hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi, cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chế biến quế, đầu tư hỗ trợ kinh phí để các hộ bảo vệ nguồn giống gen quế. 

Cùng với tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, huyện đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng các cơ sở công nghiệp chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm từ vỏ quế, gỗ và cành lá quế; mở rộng hướng đầu tư phát triển thương hiệu quế Văn Yên; đa dạng các sản phẩm từ quế  bằng việc tập trung phát triển công nghiệp chế biến sử dụng sản phẩm từ cây quế. 

Bên cạnh đó, để nâng cao vị thế, giá trị cây quế, huyện Văn Yên cũng đã tập trung phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ từ cây quế; quảng bá, giới thiệu về cây quế và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ quế tại các hội chợ trong và ngoài huyện với hàng trăm sản phẩm được làm từ quế. 

Đến nay, đã có rất nhiều sản phẩm được chế tác tinh xảo và có tính nghệ thuật cao như: đồng hồ, đèn ngủ, logo, khung ảnh, mô phỏng ngôi nhà, lọ tăm, lọ hoa, hộp đựng trà, bộ ấm chén hoặc các sản phẩm mô hình khác, tất cả đều làm từ vỏ quế. 

So với các vật dụng khác, các sản phẩm này có mùi hương đặc trưng nên mọi người rất ưa chuộng. Đặc biệt, đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ quế đã tạo nên sức hút và nét độc đáo rất riêng biệt với hàm lượng tinh dầu cao, thân thiện với môi trường và an toàn cho sức khỏe người sử dụng. 

Chị Nguyễn Thị Hạnh - Chủ Doanh nghiệp tư nhân Phương Nhung, thị trấn Mậu A, chuyên bán những đồ thủ công mỹ nghệ từ quế cho biết: "Doanh nghiệp tư nhân chúng tôi chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm quế từ trà quế, tinh dầu quế, bột quế, điếu quế, đồ thủ công mỹ nghệ từ quế. Các sản phẩm từ quế được thị trường trong và ngoài nước rất ưa chuộng”. 

Ngoài ra, thời gian qua, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây quế còn đem đi giới thiệu, trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài huyện như: Lễ hội đền Đông Cuông (xã Đông Cuông), hội chợ huyện Sa Pa (Lào Cai), hội chợ thương mại của Sở Khoa học - Công nghệ… Kết quả cho thấy, thị hiếu của người dân đối với các đồ thủ công mỹ nghệ từ quế khá lớn. 

Ông Lưu Trung Kiên - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: "Tất cả các phần của cây quế từ cành, vỏ cho đến thân cây quế qua công đoạn sơ chế và bàn tay khéo léo của người thợ là có thể trở thành những vật dụng gắn với đời sống hàng ngày như: hộp đựng trà, đựng tăm, bộ ấm chén hoặc là các sản phẩm mô hình dùng để trưng bày, trang trí... So với các vật dụng khác, các sản phẩm này có mùi hương đặc trưng nên mọi người rất ưa chuộng”. 

Cây quế mang lại giá trị rất lớn cho người trồng quế, bởi tất cả các bộ phận của cây quế như: vỏ, thân gỗ, lá, rễ đều có giá trị sử dụng trong một số ngành sản xuất và đời sống nên đều có thể trở thành hàng hóa. 

Với giá trị như vậy, cây quế ngày càng khẳng định được vị thế kinh tế chủ lực trên địa bàn huyện. Trung bình mỗi năm, Văn Yên xuất ra thị trường khoảng 9.000 tấn vỏ quế khô, 55.000 tấn cành, lá quế, 330 tấn tinh dầu quế và 62.000 m3 gỗ quế, mang lại nguồn thu cho người dân khoảng trên 700  tỷ đồng, góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp cho địa phương thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. 

Ông Vũ Quang Hải - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm quế, huyện Văn Yên thực hiện tốt quy hoạch vùng quế nguyên liệu, trong đó tập trung phát triển ở các xã đã có chỉ dẫn địa lý và những địa bàn có điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp với sự phát triển của cây quế; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật để giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng quế; đồng thời, tiếp tục mời gọi, tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ chế biến các sản phẩm từ quế, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân”. 

Văn Thông

Tags Quế Văn Yên lễ hội quế quế vỏ tinh dầu quế người Dao vùng quế Chỉ dẫn địa lý

Các tin khác
Lãnh đạo huyện Văn Yên thăm lớp đào tạo nghề chế tác quế mỹ nghệ.

Cấp ủy, chính quyền huyện Văn Yên mong muốn và kỳ vọng nâng Lễ hội Quế của huyện lần thứ III năm 2019 lên một tầm cao mới nhằm tạo nên một hoạt động văn hóa truyền thống, thường niên, mang sắc thái riêng của huyện.

Container hàng hóa được xếp tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Theo báo cáo của WB, tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2019 sẽ ở mức 5,8%, thấp hơn so với mức 6,3% của năm 2018.

Đặc thù của huyện vùng cao địa hình hiểm trở, việc xây dựng các tuyến đường giao thông tỏa về các thôn, bản ở huyện Mù Cang Chải trước đây gặp rất nhiều trở ngại thì nay, những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để mang đến những con đường “ý Đảng - lòng dân”, tạo sự đổi thay rõ nét diện mạo nông thôn vùng cao, đưa kinh tế của huyện ngày càng đạt được nhiều bước tiến mới.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe, đưa vào khai thác tuyến Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Hà Nội thông xe, đưa vào khai thác đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đúng dịp kỷ niệm 65 năm giải phóng Thủ đô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục