Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có 6 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bao gồm Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV), Vinachem, Vinafood 1, Vinacafe, MobiFone và VNPT được điều chỉnh lộ trình cổ phần hóa giai đoạn 2019-2020. Tổng giá trị vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này là 138.878 tỷ đồng, ước thu về sau cổ phần hóa khoảng 48.764 tỷ đồng.
Tính đến nay, các doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai những bước đầu cho công tác cổ phần hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, phải hoàn thành việc sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp có vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa, trước khi thực hiện các bước tiến hành cổ phần hóa doanh nghiêp theo quy định.
"Do đó, việc cổ phần hóa đúng tiến độ đối với các doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn trong bối cảnh không còn nhiều thời gian để thực hiện”, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhận định.
Bên cạnh đó, trong số 13 doanh nghiệp cấp II (công ty con của các tập đoàn, tổng công ty) thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn 2019-2020, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ không đưa 05 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực (Tổng công ty Điện lực: Miền Bắc, Miền Trung, Miền Nam, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) vào Danh mục DNNN thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2019-2020; 02 doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí (Tổng công ty Thăm dò - Khai thác dầu khí và Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất) thực hiện theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo báo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong 9 tháng qua, đã hoàn thành cổ phần hóa 01 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV In và Phát hành biểu mẫu thống kê do SCIC làm đại diện chủ sở hữu; Thu tiền chênh lệch 23 tỷ đồng về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp.
Đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tập đoàn và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo. Đến nay, Ban Chỉ đạo đang triển khai các bước cổ phần hóa theo quy định.
Đối với Tổng công ty Phát diện 1 thuộc EVN, ngày 22/7/2019, Ủy ban đã có Văn bản số 991/UBQLV-NL về việc cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty Phát điện 1, trong đó đề nghị Tập đoàn tiếp thu, giải trình ý kiến các Bộ, cân nhắc lựa chọn thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp phù hợp.
Trên cơ sở báo cáo và đề xuất của EVN, hiện Ủy ban đang lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Theo đó, EVN tiếp tục làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3MR, phê duyệt việc xử lý chi phí cổ phần hóa Công ty mẹ - EVNGENCO1 để Ủy ban báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đối với Tổng công ty Phát điện 3 thuộc EVN đã hoàn thành cổ phần hóa năm 2018, hiện đang thực hiện quyết toán cổ phần hóa. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Ủy ban đã có văn bản gửi các Bộ: Tài chính, Công thương, Kế hoạch- Đầu tư (KH&Đ), Tư pháp đề nghị cho ý kiến về việc quyết toán cổ phần hóa Tổng Công ty; đến nay Bộ KH&ĐT chưa có ý kiến.
(Theo VOV)