Những năm qua, đặc biệt là năm 2019, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội phụ nữ các xã, thị trấn trong huyện, nhất là các xã nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới năm 2019, các xã về đích nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu điển hình như: Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Quy Mông, Hòa Cuông, Việt Hồng, Lương Thịnh, Hồng Ca, Kiên Thành, giúp đỡ hội viên nghèo thoát nghèo có địa chỉ, mỗi xã giúp ít nhất từ 8-10 hộ; quỹ tiết kiệm 5.000 đồng/hội viên/tháng được duy trì ổn định và nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo hội viên.
Đồng vốn tiết kiệm được hội viên phụ nữ nghèo thay nhau sử dụng và đạt hiệu quả; qua đó, góp phần giúp 107/113 hộ phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ. Trong năm, Hội còn giúp đỡ ra mắt 4 hợp tác xã gồm: 2 hợp tác xã dâu tằm tại xã Minh Tiến và Việt Hồng; 1 hợp tác xã trồng rau an toàn xã Minh Tiến; 1 hợp tác xã trồng cây dược liệu xã Việt Hồng và 32 tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, hội phụ nữ các xã, thị trấn cũng đã tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của huyện; trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền trồng thay thế 400 ha tre măng Bát độ, trồng mới 200 ha dâu.
Các cấp hội đẩy mạnh phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, khuyến khích phát triển các ý tưởng sáng tạo trong phát triển sản xuất và đời sống; phối hợp với CLB Doanh nhân nữ tỉnh Yên Bái chỉ đạo Hội LHPN xã Cường Thịnh bàn giao 5.000 cây khôi giống và hỗ trợ kỹ thuật trồng cây giống cho 5 hộ hội viên phụ nữ nghèo thôn Đất Đen đảm bảo theo kế hoạch; phối hợp với các ngành chức năng mở được 14 lớp đào tạo nghề, tổ chức 154 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho 3.292 hội viên phụ nữ nông thôn. Tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 500 chị có việc làm, thu nhập ổn định ngay tại địa phương, góp phần tích cực vào công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong năm, có 70 mô hình kinh tế mới nổi của hội viên phụ nữ cho thu nhập từ 200 triệu đồng/năm trở lên, nâng tổng số mô hình của toàn huyện lên 650.
Nhằm giải quyết bài toán về vốn, Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Trấn Yên duy trì tốt hoạt động ủy thác vốn vay tại cơ sở. Hiện nay, Hội đang quản lý 83 tổ với tổng số dư nợ 102.930 triệu đồng cho 2.692 hộ vay.
Đánh giá cho thấy, hội viên phụ nữ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả, nên nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số dư nợ (224 triệu đồng, bằng 0,21%).
Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Trấn Yên chỉ đạo, hướng dẫn triển khai chương trình thỏa thuận liên ngành về thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại 22 cơ sở hội.
Những kết quả đã đạt được trong phát triển phong trào Hội nói chung và khởi nghiệp, sáng tạo, phát triển kinh tế nói riêng của phụ nữ Trấn Yên là rất tích cực, góp phần cùng các cấp, các ngành xây dựng huyện nông thôn mới đầu tiên trong khu vực Tây Bắc.
Tuy nhiên, chất lượng xóa đói, giảm nghèo ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa thật sự bền vững. Thực tiễn này đòi hỏi các cấp Hội LHPN huyện Trấn Yên cần có những giải pháp tích cực hơn nữa nhằm nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân nói chung và hội viên phụ nữ nói riêng.
Tấn Đạt