Đồng chí Tạ Văn Long – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái nhận xét: "Năm 2019, công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh Yên Bái tiếp tục thu được những kết quả rất tích cực, tỷ lệ giảm nghèo đạt 6,12%, nhiều hộ ở thôn bản vùng sâu, vùng xa đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Có được kết quả ấy là nhờ sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự vươn lên của bà con nhân dân. Trong đó, không thể không nhắc tới vai trò của tín dụng chính sách với các chương trình cho vay, tạo điều kiện cho bà con có vốn làm nhà ở và phát triển kinh tế”.
Việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh được thực hiện trên cơ sở những điều kiện thuận lợi cơ bản, đó là: Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được triển khai sâu, rộng.
Chính phủ kịp thời điều chỉnh mức cho vay tối đa, thời hạn cho vay tối đa của một số chương trình phù hợp với biến động giá cả trên thị trường và nhu cầu hộ vay; ban hành các cơ chế, chính sách mới về tín dụng ưu đãi đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc và tạo cơ hội mới cho các hộ nghèo, đối tượng chính sách có điều kiện phát triển kinh tế.
Với trách nhiệm của mình, NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị xã hội và các ngành chức năng trên địa bàn, bám sát mục tiêu giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Thống kê cho thấy, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày 31/12/2019 đạt 3.056 tỷ đồng, tăng 285 tỷ đồng so với năm 2018; với nguồn vốn sẵn có NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ các chương trình đạt 3.051 tỷ đồng, tăng 283,5 tỷ đồng so với năm 2018 (tăng 10,2%).
Cơ cấu dư nợ: nợ ngắn hạn chiếm 0,1%, nợ trung hạn chiếm 95,7%, nợ dài hạn chiếm 4,2%. Hiện, toàn tỉnh còn 82.936 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đang có dư nợ tại NHCSXH.
Trong năm, hệ thống NHCSXH đã thực hiện cho vay 21.898 lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh với số tiền cho vay 852 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch dư nợ cấp trên giao.
Nguồn vốn ưu đãi đó đã giúp cho hộ nghèo và đối tượng chính sách đầu tư vào phát triển sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, mở rộng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, phát triển dịch vụ, duy trì và tạo thêm việc làm mới cho người lao động, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, hỗ trợ học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đi học…
Từ đó, góp phần vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, mục tiêu quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần vào thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: "14/14 chương trình cho vay đều đạt chất lượng và hiệu quả với chất lượng tín dụng cũng luôn được duy trì, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,14% tổng dư nợ. Trong đó, phải kể tới chương trình cho vay hộ nghèo (theo Nghị định số 78/NĐ-CP của Chính phủ), một chương trình mang ý nghĩa sâu sắc và đạt kết quả rất cao”.
Được biết, năm 2019, NHCSXH đã cho vay 5.590 lượt khách hàng là hộ nghèo với số tiền 249,4 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân 44,6 triệu đồng/hộ. Đến ngày 31/12/2019, dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo đạt 1.204,6 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 39,4% tổng dư nợ các chương trình, tăng 5,2 tỷ đồng so với năm 2018, hiện tại còn 32.732 khách hàng còn dư nợ.
Trong năm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NHCSXH đã ban hành quyết định nâng mức cho vay tối đa chương trình cho vay hộ nghèo lên 100 triệu đồng/hộ và thời hạn cho vay tối đa 10 năm. Mức cho vay mới đã phù hợp với giá cả thị trường và nhu cầu của người vay, giúp hộ nghèo có đủ vốn đầu tư vào phương án sản xuất, kinh doanh và mang lại hiệu quả.
Để đảm bảo nguồn vốn cho vay phát huy hiệu quả, NHCSXH và các tổ chức chính trị xã hội làm ủy thác đã phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, vừa tuyên truyền để các đối tượng thụ hưởng nắm rõ mức vay và thời hạn vay tối đa để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh vừa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc xây dựng phương án và sử dụng vốn của người vay.
Do vậy, 100% số hộ được vay vốn theo mức tối đa mới đã sử dụng vốn đúng mục đích và bước đầu phát huy hiệu quả. Các tổ chức chính trị xã hội còn chủ động tham mưu với chính quyền cấp xã trong việc rà soát danh sách hộ nghèo và phê duyệt đối tượng vay vốn.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo có nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất được đáp ứng trên 95%, vốn vay được đầu tư đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm qua từ 17,68% xuống còn 11,56%.
Qua kiểm tra, đánh giá về hiệu quả tín dụng chính sách cho thấy, đa số hộ nghèo được vay vốn chính sách đã chuyển biến về ý thức trong sử dụng vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích thoát nghèo, chuyển biến về ý thức vay - trả.
Nhiều hộ nghèo đã cải thiện đời sống nhờ sử dụng vốn ưu đãi, nhiều hộ vay vốn đã thoát nghèo vươn lên làm giàu có mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, trở thành tấm gương cho các hộ khác học tập, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào xóa đói giảm nghèo.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2020, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái tập trung phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao; trong đó, dư nợ tăng tối thiểu bằng tỷ lệ tăng trưởng Chính phủ giao cho NHCSXH; tỷ lệ nợ quá hạn duy trì dưới 0,15% và đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ do NHCSXH cung cấp nhằm chung sức, đồng lòng với các cấp, các ngành thực hiện thắng lợi toàn diện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.
Lê Phiên