Là xã vùng 3 của huyện Lục Yên, xã Minh Tiến có diện tích tự nhiên 3748,89 ha, đất nông nghiệp 2.971,98 ha; đất phi nông nghiệp 754,42 ha. Toàn xã có 1.422 hộ, với 6.153 khẩu với 6 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, dân tộc Tày chiếm 78%.
Thời gian qua, bộ mặt nông thôn mới ở Minh Tiến có nhiều khởi sắc; kinh tế - xã hội có bước tăng trưởng; các hoạt động kinh doanh, thương mại, dịch vụ được duy trì và phát triển; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm.
Ông Triệu Quang Hải - Chủ tịch UBND xã cho biết: Có được kết quả trên, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm chỉ đạo sát sao và thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động ủy thác vay vốn trên địa bàn, phân bổ kế hoạch tín dụng kịp thời đến các thôn nên quy mô tín dụng ngày càng mở rộng, suất đầu tư ngày càng tăng lên; các chương trình an sinh xã hội đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp tục được triển khai thực hiện, giúp hộ nghèo có vốn sản xuất, ổn định cuộc sống, tích cực sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, các tổ chức hội, đoàn thể làm ủy thác chủ động thực hiện các công đoạn nhận ủy thác và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện trong quản lý vốn tín dụng chính sách, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc ngay tại cơ sở.
Để nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng, ngay từ đầu năm, xã đã chỉ đạo các tổ chức hội như: phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, đoàn thanh niên chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; công khai việc bình xét cho vay, kiểm tra đối tượng thụ hưởng, việc sử dụng vốn và khả năng hoàn trả vốn của các hộ vay khi đến hạn trả nợ…
Nhờ vậy, năm 2019, xã Minh Tiến có 249 hộ được vay vốn, với tổng số tiền trên 9 tỷ đồng từ các chương trình: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn.
Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, năm 2019, nông dân trong xã đã đầu tư mua con giống phát triển chăn nuôi được 350 con trâu, bò, hàng trăm con lợn giống; trồng mới hàng chục héc-ta rừng; xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo 56 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt tiêu chuẩn quốc gia; sinh viên nghèo, khó khăn được tham gia học tập nhờ có nguồn vốn vay để đóng học phí, trang trải chi phí học tập...
Đặc biệt, từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp nhiều hộ có nguồn vốn phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động và nhiều hộ không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.
Trong đó, nhiều hộ có thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng/năm, tiêu biểu như mô hình chăn nuôi tổng hợp vịt, gà đẻ trứng của chị Hoàng Thị Hồng, thôn Khuân Pục; mô hình chăn nuôi lợn thịt của ông Nông Ngọc Thái thôn Làng Quỵ; mô hình mở xưởng ván bóc của ông Hoàng Văn Hòa, thôn Minh Thành...
Ông Dương Quốc Tuấn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lục Yên đánh giá: Minh Tiến là địa phương luôn thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng. Hàng năm, xã phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công khai, dân chủ, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Công tác quản lý nợ gốc, thu lãi, hướng dẫn hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Đối với hoạt động của tổ chức, hội thực hiện ủy thác, việc triển khai hoạt động cho vay vốn là điều kiện để hội, đoàn thể tập hợp, đoàn kết hội viên.
Đồng thời, thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình công tác của hội, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Qua đó, giúp nâng cao năng lực quản lý tài chính, tín dụng của đội ngũ cán bộ hội các cấp; phát huy được vai trò, nhiệm vụ của hội là trung tâm nòng cốt cho phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế địa phương, nên trong năm toàn xã có 249 hộ thoát nghèo.
Văn Tuấn