Cơn giông lốc đầu tháng 3 đã khiến căn nhà gỗ 2 gian, lợp mái cọ của gia đình ông Đặng Văn Thành ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An bị sập đổ hoàn toàn. Ngay sau khi cơn bão đi qua, gia đình ông Thành được sự giúp đỡ tận tình của các tổ chức đoàn thể địa phương và người dân trong thôn đến dọn dẹp và bố trí chỗ ở tạm.
Cũng là một trong những hộ bị ảnh hưởng do cơn bão, gia đình bà Lưng Thị Cúc ở thôn Làng Đát, xã Đại Đồng bị sập đổ gian bếp, tốc mái khu vực chăn nuôi và công trình phụ. Ngay trong đêm, gia đình bà đã huy động người thân thu dọn đồ đạc và khẩn trương khắc phục hậu quả. Đến ngày 3/3 gia đình đã lợp lại phần mái bị hỏng và chủ động gia cố lại căn nhà đề phòng thời tiết cực đoan.
Bà Lương Thị Cúc chia sẻ: "Cơn bão đi qua gia đình bị thiệt hại một số công trình nhưng đã nhanh chóng khắc phục và ổn định cuộc sống”.
Xã Đại Đồng là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với 215 nhà bị hư hỏng; trường mầm non và trường THCS cùng nhiều hội trường tại các thôn bị tốc mái, sập đổ. Bên cạnh đó, nhiều diện tích cây lâm nghiệp của người dân bị gẫy đổ gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Ông Lương Viết Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết: "Ngay khi cơn bão qua đi, chúng tôi đã chỉ đạo các đoàn thể, trưởng thôn tới giúp đỡ, động viên và thống kê đầy đủ những nhà bị thiệt hại”.
Do ảnh hưởng của mưa đá, giông lốc, tính đến 16 giờ ngày 4/3, toàn huyện Yên Bình có 278 nhà bị sập đổ, tốc mái. Trong đó, có 4 nhà sập đổ hoàn toàn ở xã Đại Đồng, Yên Thành và Phúc An; 1 nhà bị hư hỏng nặng; 273 nhà bị tốc mái từ 30% đến trên 70%. Mưa bão cũng đã làm gẫy đổ 4 cột điện, làm hư hỏng 100% mái của Trường Tiểu học xã Phúc An.
Đặc biệt, toàn huyện có 12 ha cây lâm nghiệp bị đổ gẫy, 6 lồng cá bị hư hỏng và trên 500 con gia cầm. Ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, Thường trực Huyện ủy Yên Bình đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) và các ban, ngành, đoàn thể huyện kiểm tra toàn tuyến; chỉ đạo các xã, thị trấn bị ảnh hưởng mưa bão huy động lực lượng và phương tiện tại chỗ cắt cây bảo đảm giao thông an toàn.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cũng đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo ban chỉ huy PCTT-TKCN các xã, thị trấn tập trung huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương giúp các hộ gia đình khắc phục thiệt hại sớm ổn định cuộc sống, đồng thời chỉ đạo tiếp tục rà soát thống kê thiệt hại.
Để khắc phục sự cố đường lưới điện, Điện lực Yên Bình huy động tất cả lực lượng, phương tiện, thuê 1 đơn vị thi công sử dụng máy xúc mở đường lên thay các cột điện gẫy đổ. Đến nay, toàn bộ địa phương bị ảnh hưởng đã được cấp điện trở lại, cuộc sống của người dân đã được ổn định.
Theo dự báo, năm 2020 thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, các địa phương trong huyện không được chủ quan, cần chủ động các phương án ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Ban chỉ huy PCTT - TKCN các xã, thị trấn theo dõi diễn biến thời tiết, giữ liên lạc 24/24 giờ, kịp thời báo cáo khi có thiệt hại xảy ra. Người dân cần theo dõi thời tiết hàng ngày, gia cố lại nhà cửa, chủ động phòng, chống, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Hồng Duyên