Kỹ sư thủy sản Hoàng Văn Bình - người đi đầu sản xuất cá tầm giống

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/4/2020 | 7:57:59 AM

YênBái - Những năm gần đây, nghề nuôi cá tầm khá phát triển ở miền núi phía Bắc. Tuy nhiên, cơ sở sản xuất cá tầm giống không nhiều, bởi công việc này đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm thực tế mới có thể làm được và anh Hoàng Văn Bình, cư trú tại phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái đã làm được điều này.

Công nhân cơ sở sản xuất cá tầm giống của anh Bình chăm sóc cá giống.
Công nhân cơ sở sản xuất cá tầm giống của anh Bình chăm sóc cá giống.

Tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, nơi đầu tiên anh Bình về công tác là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái. Sau hai năm công tác, anh chuyển sang làm việc cho Công ty cổ phần Cá tầm Phương Bắc, Yên Bái, rồi Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản hồ Thác Bà và tiếp đến là một công ty bán thức ăn gia súc… 

Bươn trải với cuộc sống và chưa thực sự gắn bó với nơi nào, có những lúc anh Bình đã nghĩ, tấm bằng kỹ sư thủy sản của mình chắc không còn phát huy tác dụng. Vậy nhưng, cái "duyên” với nghề là có thật. 

Trong những lần đi giao cám gia súc tại xã Việt Hồng, nhận thấy nơi đây có khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều khe, suối, nguồn nước trong sạch, mát lạnh thích hợp để nuôi cá Tầm, anh Bình đã nảy ra ý định quay lại với nghề cũ. 

Mặc dù đã có kiến thức, kinh nghiệm, nhưng lần đầu một mình đứng ra làm nên anh Bình cũng không tránh khỏi lo lắng và cũng vì thế mà đặt ra quyết tâm cao hơn. Vị trí anh chọn để xây dựng cơ sở sản xuất cá tầm giống là khu vực hang Dơi, thôn Bản Nả, xã Việt Hồng. 

Đây là khu vực rừng già, ít dân sinh sống nên hoàn toàn không bị ô nhiễm do các nguồn nước thải từ sinh hoạt. Được biết, cá tầm là loài sống rất sạch, nếu nước bị ô nhiễm hay nguồn thức ăn không đảm bảo thì cá sẽ bị bệnh nhiễm khuẩn vùng miệng rồi chết. 

Với mục tiêu phát triển nghề sản xuất cá tầm giống lâu dài, bền vững, sau khi nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, anh Bình đã liên kết với 2 hộ dân ở thôn Bản Nả xây dựng các bể nuôi cá tầm. 

Nguồn nước để nuôi cá hoàn toàn lấy trực tiếp từ các mạch nước ngầm và ở khe chảy về đã đáp ứng tốt các tiêu chí về nhiệt độ (nước luôn ở nhiệt độ dưới 26 độ C), có dòng chảy và độ ôxy hòa tan cao. Các bể nuôi cá được anh Bình xây dựng trên nền đất chắc, cao ráo, thuận lợi cho việc thay nước, chăm sóc và tạo không gian tốt cho cá sinh trưởng, phát triển. 

Anh Bình cho biết: Cá tầm là đối tượng thủy sản có giá trị cao đang được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Hiện, cá tầm đã được nhiều địa phương trong nước coi là một trong những đối tượng nuôi trồng thủy sản chủ lực, góp phần vào khai thác tối đa nguồn lợi nước lạnh tại các khu vực phù hợp. 

"Tôi hy vọng, trong thời gian tới, nghề nuôi cá tầm sẽ phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và thúc đẩy  kinh tế địa phương phát triển” - anh Bình chia sẻ.

Để có con giống chất lượng, khỏe mạnh, phát triển tốt, sau khi nhập trứng cá tầm đã được thụ tinh từ các quốc gia có nền công nghiệp nuôi cá tầm phát triển mạnh trên thế giới, anh Bình tự ấp nở, ươm nuôi cá tầm giống. 

Quy trình ấp nở đòi hỏi rất khắt khe về kỹ thuật, nên anh phải thường xuyên nghiên cứu tài liệu, đúc rút kinh nghiệm thực tế. Nhờ có sự tận tâm với nghề, nên việc ấp nở trứng cá tầm của anh Bình luôn đạt tỷ lệ sống cao (gần 80%). 

Để tiết kiệm các khoản chi phí, anh Bình cũng tự mày mò, sáng chế ra thiết bị ấp trứng cá tầm; đồng thời, tham gia trực tiếp vào quá trình chăm sóc, giám sát, theo dõi sức khỏe của cá trước khi xuất bán. 

Năm 2019, anh Bình xuất bán 5 vạn cá tầm giống với giá từ 15-20.000 đồng/con, thu về gần 1 tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí còn thu lãi trên 300 triệu đồng. Hiện, cơ sở sản xuất cá tầm giống của anh vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn… nên thời gian tới, anh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. 

Hồng Oanh

Tags Hồng Hà Việt Hồng thủy sản cá tầm

Các tin khác
Hội viên Hội Phụ nữ xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên truyền đạt kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả.

Năm 2019, toàn đã có 17 hộ hội viên phụ nữ nghèo thoát nghèo.

Quang cảnh Phiên họp Chính phủ

Chiều nay, 5/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Khảo sát tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động doanh nghiệp.

Nếu dịch Covid-19 kéo dài đến hết tháng 6/2020, chỉ còn 14,9% doanh nghiệp (DN) duy trì được hoạt động, 32,4% DN sẽ tạm dừng hoạt động.

Tại Yên Bái, việc khống chế thành công dịch tả lợn châu Phi đã giúp người nông dân yên tâm hơn trong việc tái đàn. Tuy nhiên, họ cũng gặp không ít khó khăn do giá giống tăng cao, từ 2 – 2,5 triệu đồng/ con giống; một số hộ bị ảnh hưởng do dịch tả lợn đang gặp khó khăn về tài chính nên khó khôi phục chăn nuôi lợn theo quy mô ban đầu. Do vậy, đến nay việc tái đàn tại Yên Bái mới thực hiện được trên 10% so với tổng đàn lợn trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục