Yên Bái: Giá thịt lợn vẫn cao

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/4/2020 | 8:03:41 AM

YênBái - Đã 10 ngày kể từ khi Chính phủ chỉ đạo giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, tại Yên Bái, giá lợn hơi, thịt lợn vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Các trang trại chăn nuôi lớn vẫn ở mức 75.000-76.000 đồng/kg, còn giá lợn hơi trong dân vẫn bám trụ ở mức 80.000-82.000 đồng/kg.

Đàn lợn nhà anh Ngô Văn Mạnh - chủ lò mổ lợn ở tổ 1 phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái vừa bắt trong dân hôm 3/4 với giá 80.000 đồng/kg.
Đàn lợn nhà anh Ngô Văn Mạnh - chủ lò mổ lợn ở tổ 1 phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái vừa bắt trong dân hôm 3/4 với giá 80.000 đồng/kg.


Anh Ngô Văn Mạnh - chủ lò mổ lợn ở tổ 1 phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cho biết: "Trong tháng 3, giá lợn hơi ở trại và trong dân dao động từ 80.000-85.000 đồng/kg; từ ngày 1/4 giá có giảm nhưng không đáng kể. Hiện, tôi bắt lợn của Công ty Hòa Phát giá vẫn 75.000-76.000 đồng/kg; lợn trong dân 80.000-82.000 đồng/kg”.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 3 nguồn cung cấp lợn hơi, đó là nguồn từ các trang trại lớn, nguồn từ dân nuôi và nguồn từ các tỉnh dưới xuôi chuyển lên. 

Từ ngày 1/4, các trang trại chăn nuôi lớn cũng đã giảm giá nhưng không đáng kể và hiện vẫn ở mức 75.000-76.000 đồng/kg, còn giá lợn hơi trong dân vẫn bám trụ ở mức 80.000-82.000 đồng/kg. Nếu như hai nguồn cung này thiếu thì sẽ có nguồn từ các tỉnh khác vận chuyển lên, nhưng vì mất thêm phí vận chuyển nên chắc chắn sẽ đội thêm giá. 

Một nguyên nhân nữa có thể dẫn tới giá lợn cao là do nguồn cung trong dân còn ít; trong khi đó, các trại lớn cũng chỉ xuất bán ra một lượng nhất định; vì vậy, giá thịt lợn hơi sau ngày 1/4 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa giảm. Chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, vào thời điểm dịch Covid-19, lượng người đi chợ hàng ngày đã giảm khá nhiều. 

Chị Hà Thị Mai Chi ở phường Yên Thịnh cho biết: "Thịt lợn vẫn là thực phẩm chính của gia đình tôi. Nghe nói, Chính phủ chỉ đạo giảm giá lợn hơi từ ngày 1/4, nhưng hiện nay chúng tôi vẫn đang phải mua giá cao và chưa hề giảm”. 

Thời điểm này, đến các chợ truyền thống, siêu thị ở thành phố Yên Bái, giá thịt lợn vẫn ở mức cao; khảo sát tại một số chợ, vẫn đang ở mức 150.000-170.000 đồng/kg tùy loại. 

Khi được hỏi về việc Chính phủ yêu cầu thịt lợn phải giảm giá xuống 70.000 đồng/kg đối với thịt lợn hơi và các loại thịt thành phẩm cũng không được ở mức cao, đa số các tiểu thương bán thịt đều cho biết là họ vẫn phải bắt lợn hơi giá cao nên có muốn giảm giá thành cũng không giảm được. 

Bà Đặng Thị Quý - tiểu thương chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái cho biết: "Tôi mua lợn hơi trong dân vẫn 80.000-82.000 đồng/kg nên vẫn phải bán giá như thế. Tôi cũng mong muốn bắt được lợn giá thấp để dễ bán hơn, chứ dịch dã thế này mà giá lại cao nên cũng khó bán lắm”. 

Thực tế việc giá thịt lợn ở mức như hiện nay đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay thu nhập của đại đa số người dân bị ảnh hưởng thì việc chi tiêu cho một bữa ăn cũng phải tính toán, cân nhắc. 

Là giáo viên của một trường mầm non tư thục ở phường Yên Ninh, gần 3 tháng nay chị Nguyễn Thị Thu phải nghỉ dạy không lương. Từ ngày 1/4, cửa hàng sửa chữa điện thoại di động của chồng chị cũng phải đóng cửa để thực hiện việc cách ly toàn xã hội nên cuộc sống của gia đình chị Thu gặp nhiều khó khăn. 

Chị Thu chia sẻ: "Không có thu nhập, giá các mặt hàng thực phẩm thì vẫn ở mức cao. Trước kia, hầu như ngày nào cũng có một bữa thịt lợn thì nay 1 tuần chỉ ăn 1-2 bữa”. 

Trên thực tế thì sự chỉ đạo của Chính phủ đưa giá lợn hơi xuống dưới 70.000 đồng/kg là nhằm đảm bảo chăn nuôi bền vững. Do vậy, nếu người chăn nuôi, các trang trại không đồng hành cùng Chính phủ thì đến lúc cung sẽ vượt cầu và khi đó giá lợn sẽ giảm sâu. 

Hiện, bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Yên Bái đã được khống chế, đàn lợn của tỉnh đang ở mức 43.200 con, khi thời tiết thuận lợi, người dân sẽ tái đàn nhanh; dự báo khoảng 4 tháng tới đàn lợn của tỉnh sẽ tăng cao, nguồn cung sẽ dồi dào hơn, khi đó giá lợn cũng sẽ giảm.

Để bình ổn thị trường thịt lợn hơi, các ngành chức năng cần có sự kiểm tra, giám sát, quản lý về giá ở tất cả các khâu từ chăn nuôi, đến giết mổ cũng như buôn bán; bảo đảm cung ứng thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không gây tâm lý hoang mang, ổn định thị trường; cần xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao. 

Cùng đó, cần xây dựng kế hoạch tái đàn lợn; đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng các chuỗi chăn nuôi an toàn dịch bệnh... mới nhanh chóng bình ổn giá thịt lợn nhằm tăng sức mua của người dân.

Hồng Duyên

Tags Yên Bái giá thịt lợn

Các tin khác
Ảnh minh họa

Ngày 9-4, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có văn bản gởi các địa phương, hiệp hội thông báo tới các doanh nghiệp, trước mắt, tạm dừng đưa hàng nông sản, nhất là mặt hàng hoa quả lên khu vực Lạng Sơn để chờ thông quan hết số hàng đang tồn đọng tại cửa khẩu trước tình hình một số địa phương phía Trung Quốc đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 và ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài vào nội địa tại cửa khẩu, lối mở.

Cơ sở sản xuất bún, phở của chị Nguyễn Thị An ở tổ 9, phường Minh Tân phục vụ tốt nhu cầu nhân dân. Ảnh minh họa

Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Yên Bái đã tiến hành kiểm tra 32 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống...

Cùng với giá rau xanh ra chợ đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ mọi năm, giá thịt lợn cũng chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và vẫn giữ ở mức từ 140 - 170.000 đồng/kg, khiến người tiêu dùng đang hết sức đắn đo.

Kê biên tài sản là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành án áp dụng đối với pháp nhân thương mại.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2020/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục