Bộ Công thương xin hoãn sửa biểu giá điện vì dịch COVID-19

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/5/2020 | 1:58:28 PM

Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đã được đưa ra lấy ý kiến, nhưng Bộ Công thương cho biết đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 nên kiến nghị Chính phủ xin lùi thời gian báo cáo.

Bộ Công thương cho biết sẽ sớm trình phương án sửa biểu giá bán lẻ điện
Bộ Công thương cho biết sẽ sớm trình phương án sửa biểu giá bán lẻ điện

Nội dung trên được nêu trong báo cáo của Bộ Công thương về kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn; chất vấn và trả lời chất vấn gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện theo yêu cầu được Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ Công thương cho hay đã giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo đó, ngày 30-12-2019, EVN có công văn gửi Bộ Công thương báo cáo về đề án "Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện". Trên cơ sở báo cáo của EVN, Bộ Công thương xây dựng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, lấy ý kiến các cơ quan bộ ngành, cơ quan Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các tổ chức, hiệp hội.

Đến hết ngày 26-3-2020, Bộ Công thương đã nhận được 130/154 ý kiến góp ý của các cơ quan đơn vị. Bộ Công thương đã tổng hợp ý kiến đầy đủ của các đơn vị và hoàn chỉnh các phương án để báo cáo Thủ tướng xem xét.

Tuy nhiên, ngày 31-3-2020, Bộ Công thương cho hay đã có báo cáo Thủ tướng cho phép lùi thời gian báo cáo về phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thời điểm hiện nay.

Lý do là bởi hiện nay Chính phủ, các bộ ngành, trong đó có Bộ Công thương đang tập trung thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách ứng phó với dịch COVID-19, chống dịch COVID-19.

Sau khi dịch được kiểm soát, Bộ Công thương sẽ báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt để tổng hợp vào dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Trao đổi với  phóng viên báo chí về vấn đề này, một lãnh đạo phụ trách của Bộ Công thương cho biết có việc bộ kiến nghị lùi thời gian sửa đổi biểu giá bán lẻ điện để tập trung nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, sau khi có báo cáo Chính phủ và nhận được ý kiến chỉ đạo, Bộ Công thương sẽ triển khai thực hiện việc báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thời gian sớm nhất, bởi hiện nay dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt.

Phương án sửa đổi tới đây trình Chính phủ sẽ tập hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của bộ, ngành liên quan về phương án điều chỉnh, làm cơ sở đề xuất Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Hiện nay, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc thang áp dụng từ năm 2014, được các chuyên gia đánh giá là đang bộc lộ những bất cập. Cũng bởi tỉ trọng dùng điện của nhóm khách hàng thấp (dưới 100 kWh) giảm, trong khi nhóm trung bình và cao (từ 200 - 400 kWh) tăng mạnh. Việc chia nhỏ các bậc thang sử dụng ở dưới 400 kWh được xem là không có lợi cho đa số.

Theo đề xuất của Bộ Công thương, biểu giá điện bậc thang sẽ rút ngắn còn 5 bậc, trong đó gộp hai bậc đầu tiên ở mức 100 kWh và điều chỉnh bậc thang cao nhất lên tới 700 kWh thay vì mức 401 kWh hiện nay.

Lý do là mặc dù các hộ sử dụng trên 700 kWh chỉ chiếm hơn 1,8% lượng khách hàng nhưng chiếm tới 13% sản lượng điện, vì vậy việc điều chỉnh giá bậc thang như đề xuất sẽ khiến các hộ tiêu dùng nhiều điện phải trả tiền điện nhiều hơn và nâng cao ý thức tiết kiệm điện.

Lãnh đạo Bộ Công thương khẳng định việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt không làm thay đổi giá bán lẻ điện bình quân. Tức là không làm tăng hay giảm giá điện theo giá bình quân đã được phê duyệt (1.864,44 đồng/kWh).

Việc sửa biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt là điều chỉnh, thay đổi các biểu giá bậc thang với cơ cấu phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng điện của người tiêu dùng, nhằm đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.

(Theo TTO)

Các tin khác

Giá vàng ngày 7.5 đi xuống khi nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế khắp nơi sẽ sớm khởi động lại.

Đến tháng 4/2020, toàn tỉnh hỗ trợ tạo việc làm 4.973 người, đạt 27,63% kế hoạch. (Ảnh: Đức Toàn)

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trong tháng 4/2020, Yên Bái đã giải quyết việc làm cho 1.216 lao động.

Các công trình thủy lợi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ phục vụ nước tưới cho hàng trăm héc-ta ruộng ở Mù Cang Chải.

Năm 2020, huyện Mù Cang Chải được đầu tư 68 công trình; trong đó, 41 công trình chuyển tiếp thi công và thanh toán khối lượng hoàn thành, 27 công trình khởi công mới. Đến trung tuần tháng 4, huyện đã thực hiện xong công tác lựa chọn nhà thầu và thương thảo ký kết hợp đồng toàn bộ các danh mục công trình được giao.

Sản phẩm sứ cách điện của Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.
(Ảnh: Văn Tuấn)

Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 7,3% và các chỉ tiêu theo Chương trình hành động 190-Ctr/TU của Tỉnh ủy, Nghị quyết HĐND tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, kịch bản phát triển kinh tế- xã hội năm 2020 ứng phó với dịch COVID-19 được điều chỉnh theo hướng: giảm chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục