Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tạo miễn dịch chủ động cho gia súc

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/9/2020 | 7:46:07 AM

YênBái - Thời điểm thời tiết giao mùa, luôn là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh phát tán, lây lan trên đàn vật nuôi... Ngành chăn nuôi và thú y tỉnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ; trong đó, tập trung triển khai tiêm các loại vắc - xin phòng dịch bệnh tạo miễn dịch chủ động cho gia súc vào 2 vụ xuân hè và thu đông.

Đàn bò của ông Nguyễn Văn Quyết ở thôn Yên Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên luôn khỏe mạnh nhờ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin.
Đàn bò của ông Nguyễn Văn Quyết ở thôn Yên Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên luôn khỏe mạnh nhờ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin.

Mặc dù mới bắt tay vào chăn nuôi bò sinh sản được 3 năm, nhưng ông Nguyễn Văn Quyết ở thôn Yên Thịnh, xã An Thịnh, huyện Văn Yên luôn quan tâm đến tiêm phòng cho đàn bò của gia đình, bởi theo ông đây là cách phòng bệnh tốt nhất. Để đàn bò phát triển tốt, ông Quyết tuân thủ đúng lịch tiêm phòng 1 năm 2 kỳ vào tháng 3 và tháng 9. Mỗi con bò được tiêm đủ 6 mũi vắc - xin phòng bệnh tụ huyết trùng, dịch tả, lở mồm long móng. 

Ông Quyết cho biết: "Vì là nuôi bò sinh sản, nên thời gian tiêm phòng mà đúng vào lúc bò chửa, sức khỏe không bảo đảm thì sẽ được ghi lại để tiêm bổ sung sau đó”. 

Ngoài tiêm đúng, đủ các loại vắc - xin, ông còn thực hiện tẩy ký sinh trùng, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng và bảo đảm chế độ ăn, uống đầy đủ dưỡng chất. Nhờ phòng bệnh đúng cách và chăm sóc tốt nên gần 20 con bò của gia đình ông luôn khỏe mạnh và mang về nguồn thu đáng kể cho gia đình. 

Ông Quyết chia sẻ: "Một năm tôi bán được 6 - 8 con bò cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Đàn bò này giờ là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi”. 

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình có quy mô 10 lợn nái và trong chuồng lúc nào cũng có gần 200 con lợn thịt luôn vượt qua những "cơn bão” dịch bệnh một cách an toàn nhất. 

Chia sẻ bí quyết, bà Hoa cho biết: ngay khi lợn sinh ra từ 7 - 40 ngày bà tiêm đủ 6 loại vắc - xin phòng bệnh như: hen suyễn, tai xanh, tả, lở mồm long móng... Bà Hoa khẳng định: "Tiêm đầy đủ các loại vắc - xin cho đàn lợn con sẽ tạo hệ miễn dịch chủ động rất tốt giúp vật nuôi kháng được hầu hết các bệnh nguy hiểm”. 

Để bảo vệ an toàn tốt nhất cho đàn lợn, ngoài việc tiêm phòng đúng, đủ các loại vắc - xin phòng bệnh định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, gia đình bà Hoa còn thường xuyên phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và áp dụng chăn nuôi khép kín từ con giống, thức ăn, cách ly hoàn toàn với bên ngoài. Do làm tốt phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn luôn khỏe mạnh, phát triển tốt, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình bà Hoa. 

Hiện nay, đàn gia súc chính toàn tỉnh đạt trên 511.610 con; trong đó, đàn trâu trên 94.390 con, đàn bò gần 30.940 con, đàn lợn (không tính lợn con chưa tách mẹ) trên 386.200 con. Trong tháng 8, toàn tỉnh không phát sinh gia súc mắc bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn châu Phi và các loại bệnh thông thường khác. 8 tháng năm 2020, tỉnh đã cung ứng cho các huyện, thị xã, thành phố trên 255 nghìn liều vắc - xin các loại. 

Trong đó, tụ huyết trùng trâu bò 32.320 liều, tụ huyết trùng lợn 63.020 liều, dịch tả lợn 37.650 liều, vắc - xin kép 3 bệnh (tụ huyết trùng - phó thương hàn - dịch tả) 500 liều, dại chó 46.401 liều, lở mồm long móng 47.475 liều. Đến hết tháng 8 toàn tỉnh đã tiêm phòng được gần 341 nghìn liều vắc - xin các loại. 

Ông Đặng Bình Nguyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nhấn mạnh: "Tạo hệ miễn dịch chủ động cho vật nuôi bằng biện pháp tiêm phòng luôn được ngành đánh giá rất cao và khuyến khích người chăn nuôi thực hiện. Để hỗ trợ người chăn nuôi, hàng năm Chi cục triển khai 2 vụ tiêm phòng là vụ xuân hè và thu đông, trong đó thực hiện Tháng cao điểm huy động nhân lực, phương tiện để thực hiện tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Hàng năm, tỷ lệ đàn gia súc được tiêm đủ các loại vắc - xin phòng chống bệnh nguy hiểm đạt trên 70%”. 

Tiêm phòng đúng, đủ các loại vắc - xin cho đàn gia súc được coi là "pháo đài” phòng bệnh hiệu quả nhất, nhưng hiện nay một số người chăn nuôi nhất là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa ý thức được tác dụng tích cực của việc này.

 Nhằm kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, tạo điều kiện để ngành chăn nuôi phát triển, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm túc lịch tiêm phòng, tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc - xin bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; duy trì chế độ ăn đủ các thành phần chất thô xanh, tinh bột, vitamin để tăng sức đề kháng, tạo hệ miễn dịch chủ động phòng, chống dịch bệnh.

Hồng Duyên

Các tin khác
Nhân dân xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn bê tông hóa đường giao thông nông thôn.

Là tỉnh miền núi nên một trong những khó khăn lớn nhất được tỉnh xác định là hạ tầng giao thông (HTGT).

Giá vàng tăng vọt trong ngày đầu tháng 1/9.

Sáng nay (1/9), giá vàng trong nước tiếp tục tăng mạnh, vàng SJC hiện niêm yết ở mức 56,55 – 57,50 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Có 15 hộ dân ở thôn Bản Bay, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ được hỗ trợ vốn nuôi dê phát triển kinh tế.

Từ đầu năm 2020, có 15 hộ ở thôn Bản Bay, xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ được hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội Nông dân để thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản. Các mô hình đã bước đầu phát triển tốt.

Nghề nuôi cá lồng được phát triển khá nhanh trên các hồ lớn ở một số địa phương tỉnh Yên Bái.

Vài năm gần đây, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhân dân khai thác, phát triển chăn nuôi thủy sản (CNTS) theo hướng bán thâm canh, thâm canh. Nông dân trong tỉnh nói chung và vùng hồ Thác Bà nói riêng đã có bước chuyển căn bản từ khai thác tự nhiên sang CNTS.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục