Văn Chấn phát triển sản phẩm OCOP gắn với chuỗi liên kết

  • Cập nhật: Thứ năm, 8/10/2020 | 7:47:01 AM

YênBái - Sau một thời gian triển khai, xây dựng, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại huyện Văn Chấn đã thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Nổi bật trong đó phải kể đến sự tham gia của Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia, thị trấn Sơn Thịnh.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia.

Với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị, chất lượng nông sản tại địa phương, Công ty đã liên kết với nông dân, đầu tư dây chuyền sản xuất, xây dựng 2 sản phẩm OCOP là Trà táo mèo Shan Thịnh và Xịt massage Quốc Kỳ được gắn hạng 3 sao và tiến tới phấn đấu đạt hạng 4 và 5 sao.

Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia được thành lập tháng 4 năm 2017. Với mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân bằng các sản phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ dược liệu tự nhiên, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất trên diện tích hơn 2 ha, tại tổ dân phố Thác Hoa 3, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn. 

Theo bà Hà Thị Hằng - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia, mong muốn lớn nhất của Công ty là được góp phần phát huy lợi thế của một tỉnh miền núi, có nhiều tiềm năng về rừng và đất rừng, đặc biệt là thảo dược để thực hiện chế biến dược liệu, sản xuất hàng hóa dược liệu, thuốc y học cổ truyền, thuốc đông dược bằng phương pháp hiện đại tại tỉnh Yên Bái. Vì vậy, Công ty đã chủ động liên kết với các địa phương của huyện Văn Chấn và vùng lân cận, mở rộng các kênh thu mua sản phẩm nguyên liệu dược và táo mèo tươi, tạo ra chuỗi hàng hóa tiêu thụ ổn định cho người dân. Đồng thời, xúc tiến việc trồng thử nghiệm các cây dược liệu đạt hiệu quả cao tiến tới sẽ triển khai trồng đại trà, tạo ra vùng dược liệu có chất lượng, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Trên cơ sở đó, năm 2018, Công ty đưa dây chuyền sản xuất táo mèo vào hoạt động. Mặc dù ban đầu gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật vận hành nhưng với sự nỗ lực của các cán bộ, công nhân, Công ty đã cho ra mắt sản phẩm OCOP Trà táo mèo Shan Thịnh dạng bột hòa tan vừa có tác dụng giải khát vừa có tác dụng bồi bổ cơ thể, an thần, tiêu hóa tốt, mang hương vị đặc trưng của núi rừng vùng cao Yên Bái. 

Bà Hà Thị Hằng - Giám đốc Công ty cho biết thêm: "Với sản lượng 30 triệu hộp trà táo mèo/năm, hàng năm Công ty sẽ giúp tiêu thụ hàng trăm tấn quả táo mèo tươi cho đồng bào dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu, góp phần không nhỏ trong việc tạo ra chuỗi hàng hóa bền vững, giúp người dân vùng cao có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo từ chính loài cây vốn gắn bó lâu đời với người Mông nơi đây”.

Bên cạnh Trà táo mèo Shan Thịnh, Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia cũng nghiên cứu, bào chế, triết suất ra sản phẩm OCOP Xịt massage Quốc Kỳ với thành phần nguyên liệu chính chiếm đến 80% dược liệu của huyện Văn Chấn. 

Ông Nguyễn Tường Ninh - Đại diện Ban Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia cho biết: Xịt massage Quốc Kỳ là sản phẩm của sự kết hợp giữa y học cổ truyền và hiện đại. Sản phẩm được sản xuất hoàn toàn bằng tinh dầu dược liệu, không dùng hóa chất làm nóng, có mùi hương đặc trưng đang được người tiêu dùng xa gần biết đến và lựa chọn sử dụng”. 

Cũng theo ông Nguyễn Tường Ninh, quá trình nghiên cứu sản xuất sản phẩm Xịt massage Quốc Kỳ, Công ty đẩy mạnh việc tìm hiểu, khảo sát nguồn nguyên liệu đầu vào ở các xã vùng cao trên địa bàn huyện Văn Chấn; đồng thời, chủ động liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu với người dân và đặt hàng thu gom, tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân. 

Để đảm bảo việc sản xuất đạt trên 10 triệu hộp xịt mỗi năm, hiện nay, bình quân hàng tháng Công ty có nhu cầu thu mua từ 10 đến 15 tấn nguyên liệu. Đặc biệt, Công ty đã xây dựng kế hoạch liên kết với các xã vùng cao như: Nậm Búng, Nậm Lành, An Lương, Suối Bu triển khai quy hoạch trồng các cây nguyên liệu này thành vùng, không còn để mọc hoang, tạo thành nguồn thu nhập chính cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. 

Qua tìm hiểu, với 5 dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn GMP - WHO, hiện nay, Công ty TNHH Sản xuất Y học cổ truyền và Đông dược Thế Gia đang thu hút, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 150 công nhân, người lao động là con em các dân tộc trên địa bàn huyện Văn Chấn. Đặc biệt, với việc xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP Trà táo mèo Shan Thịnh và Xịt massage Quốc Kỳ, Công ty đã từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất cho sơn tra và các loại cây dược liệu trên địa bàn, góp phần nâng cao giá trị, chất lượng nông sản tại địa phương.

Ông Phùng Thế Hanh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Văn Chấn cho biết: "Các sản phẩm trà táo mèo Shan Thịnh, xịt massage Quốc Kỳ đang là 2 trong số những sản phẩm của huyện Văn Chấn, đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh Yên Bái năm 2020. Đây là những mặt hàng có giá trị sử dụng cao, mang tính đại diện vùng miền rõ rệt. Hiện nay, Công ty đang đẩy mạnh việc mở rộng các dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ quả táo mèo tươi và các sản phẩm thuốc đông dược có nguồn gốc từ thiên nhiên sẽ giúp tạo ra chuỗi hàng hóa bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao cho địa phương, tạo việc làm, thu nhập cho con em các dân tộc, rất đúng với chủ trương chỉ đạo của huyện Văn Chấn”.

 Hùng  Cường

Tags Văn Chấn sản phẩm OCOP chuỗi liên kết

Các tin khác
Trạm thu phí dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên.

Theo tính toán của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên sẽ kết thúc việc thu phí vào cuối ngày 13/10/2020.

Giá vàng giảm mạnh.

Giá vàng thế giới giảm mạnh đã khiến giá kim loại quý trong nước sáng 7-10 giảm 350.000 đồng/lượng ở chiều bán, xuống mốc 56 triệu đồng/lượng.

Trang trại chăn nuôi lợn.

Chiến lược phát triển chăn nuôi đặt ra mục tiêu chung đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi nước ta thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, diện mạo nông thôn huyện vùng cao Trạm Tấu có nhiều khởi sắc.

Trạm Tấu chú trọng xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, công trình y tế, trường học... gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục