Những ngày này, trên 200 công nhân của Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đang miệt mài làm việc để kịp cho các đơn hàng xuất khẩu. Do đơn vị có mối quan hệ tốt và lâu năm với các khách hàng, đối tác ở ngoài nước nên khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát, hoạt động sản xuất của Công ty không bị sụt giảm nhiều.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, Công ty thực hiện đốt 213 lò nung sứ, sản lượng đạt 1.785 tấn, bằng 57,5% kế hoạch năm, tăng 8% so với cùng kỳ; tỷ lệ thu hồi sản phẩm mộc bình quân đạt 77%, tỷ lệ thu hồi sản phẩm nung bình quân đạt 89%.
Doanh thu đạt 60,15 tỷ đồng, bằng 58,4% kế hoạch năm, tăng 19% so cùng kỳ, nộp ngân sách 6 tháng đạt 4,1 tỷ đồng, nộp bảo hiểm cho người lao động đạt 2,24 tỷ đồng, lương bình quân toàn công ty 6 tháng đầu năm đạt 8,99 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn cho biết: Để có được kết quả trên, lãnh đạo Công ty đã đề ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, trên lĩnh vực hoạt động kinh doanh, đầu tư - tài chính, Công ty đã giữ vững ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm, chú trọng cải tiến, đổi mới phương thức bán hàng, thanh toán tiền và cung cấp vật tư, dịch vụ.
Cùng chung niềm vui với Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn, vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành đã tổ chức lễ mừng đóng điện thành công Nhà máy Thủy điện Pá Hu.
Nhà máy này có dung tích hồ chứa 1,47 triệu m3 và được xây dựng nhằm mục đích tận dụng tối đa tiềm năng thủy điện đoạn suối Nậm Tăng, huyện Trạm Tấu để phát điện lên hệ thống điện quốc gia. Nhà máy đi vào vận hành sẽ cung cấp mỗi năm khoảng 90 triệu kWh cho khu vực và hòa vào lưới điện quốc gia, giảm bớt sự thiếu hụt công suất cho hệ thống.
Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong 9 tháng năm 2020, chỉ số công nghiệp toàn ngành tăng 5,62% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 10,1%).
Một số ngành sản xuất chính có chỉ số sản xuất 9 tháng tăng so với cùng kỳ như: khai thác đá các loại tăng 24,16%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,47%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại (xi măng, bột đá) tăng 16,12%; sản xuất kim loại tăng 5,4%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 15,89%.
Các ngành sản xuất giảm so với cùng kỳ như: khai thác quặng kim loại giảm 29,91%; sản xuất đồ uống giảm 14,75%; chế biến gỗ giảm 10,2%; sản xuất hóa chất giảm 56,56%; sản xuất thuốc, dược liệu giảm 7,42%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,52%...
Một số sản phẩm chính có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ là: đá Blook tăng 10,55%; đá xây dựng tăng 45,3%; tinh bột sắn tăng 24,47%; bao bì và túi giấy tăng 49,23%; xi măng tăng 21,19%; các sản phẩm bằng đá hoặc bằng các chất liệu khoáng khác tăng 11,3%; thép ống mạ kẽm tăng 5,4%; điện thương phẩm tăng 8,01%...
Bên cạnh đó, các sản phẩm chính có mức giảm so với cùng kỳ như: quặng sắt giảm 33,73%; chè đen giảm 8,21%; quần áo xuất khẩu giảm 20,57%; gỗ cưa xẻ giảm 75,93%; gỗ dán giảm 21,97%; ván bóc giảm 55,18%; ván ép giảm 59,64%; giấy đế xuất khẩu giảm 12,75%; đá xẻ giảm 23,41%; điện sản xuất giảm 3,8%... Ước giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2020 đạt 8.566 tỷ đồng tăng 5,85% so với cùng kỳ năm 2019.
Chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa là kế hoạch sản xuất công nghiệp năm 2020 của tỉnh kết thúc. Để sản xuất, kinh doanh phát triển ổn định và bền vững, các cấp, ngành chức năng cần tập trung chỉ đạo, đánh giá sát thực diễn biến tình hình thực tế cho từng sản phẩm chủ yếu, từng doanh nghiệp để có các giải pháp tháo gỡ phù hợp cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn và hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định; có chính sách thu hút đầu tư, giải pháp cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch Covid -19.
Với mục tiêu hoàn thành giá trị sản xuất công nghiệp cả năm, hiện nay, UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan đang tích cực bám sát tình hình sản xuất của các nhóm sản phẩm để có kế hoạch chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Quang Thiều