Với chủ trương đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đa ngành nghề, những năm qua, xã Yên Thái, huyện Văn Yên tích cực vận động nhân dân chuyển đổi ruộng chằm trũng năng suất thấp sang nuôi thủy sản để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác.
Ông Đoàn Mạnh Ninh - Chủ tịch UBND xã Yên Thái cho biết: "Là xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu sản xuất lúa nước. Tuy nhiên, một số diện tích ruộng chằm trũng chỉ cấy được một vụ nên hiệu quả kinh tế không cao. Theo đó, xã đã chủ động khuyến khích nhân dân chuyển đổi những chân ruộng chằm trũng khó canh tác sang nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao”.
Đến thăm thôn Quẽ Ngoài - một trong 2 thôn có diện tích ruộng chằm nhiều nhất xã và cũng là thôn có số hộ chuyển đổi sang nuôi thủy sản tương đối hiệu quả, ông Đoàn Mạnh Ninh cho chúng tôi biết thêm: Trước đây, Quẽ Ngoài là thôn nghèo của xã, mặc dù diện tích lúa nước nhiều, song chủ yếu là ruộng chằm nên mỗi năm chỉ cấy được một vụ.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng hiệu quả kinh tế, phát triển đa dạng ngành nghề và trọng tâm là chuyển đổi những chân ruộng trũng kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nên đời sống người dân dần khá lên. Hiện, bình quân hộ ít có khoảng 500 m2 ao, hộ nhiều hơn 1 ha và thu nhập từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mỗi năm”.
Gia đình ông Nguyễn Quốc Tuyển là một điển hình như vậy. Khi có chủ trương cho chuyển đổi, ông Tuyển đã chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng chằm của gia đình sang nuôi cá. Nhờ có kinh nghiệm và kiến thức chăn nuôi nên chỉ 3 năm sau, ông Tuyển trả được số tiền vay mượn để đầu tư và sau hơn 10 năm chuyển đổi sang nuôi thủy sản, hiện ông có 1,2 ha ao và mỗi năm trừ chi phí còn cho lãi trên 100 triệu đồng.
Ông Tuyển cho biết: "Nếu so với cây lúa thì nuôi thủy sản lãi hơn rất nhiều; nếu tập trung chuyên canh thì chuyện làm giàu từ nuôi cá là điều không khó. Nuôi cá theo hình thức dân dã, chất lượng cá thịt ngon nên không lo về vấn đề đầu ra sản phẩm”.
Ông Trần Thành Chung, thôn Khe Bốn cũng bày tỏ: Nếu so với nuôi gà, nuôi lợn thì nuôi cá hiệu quả kinh tế hơn nhiều. Chỉ cần chuyên tâm, có chút kinh nghiệm và chọn nguồn cá giống tốt thì nuôi cá lãi hơn nhiều đối tượng vật nuôi khác. Điều cốt lõi nữa là, phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu kỹ thuật của ao nuôi, mật độ cá như thế nào là phù hợp, nên thả chung những loại nào cùng một ao và hơn nữa phải có sự lưu thông, tuần hoàn của nguồn nước, bởi nếu ao tù cá sẽ không lớn được.
Thực hiện chủ trương về đa dạng hóa các mô hình phát triển kinh tế, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, những năm qua, xã Yên Thái đã vận động nhân dân chuyển đổi những diện tích lúa vùng chằm trũng canh tác kém hiệu quả sang nuôi thủy sản với mức hỗ trợ theo kinh phí của tỉnh là 50 triệu đồng cho 1 ha chuyển đổi; bình quân mỗi năm xã vận động nhân dân chuyển đổi được 1 - 3 ha. Đến nay, toàn xã có 36 ha nuôi thủy sản. Mỗi năm, từ chăn nuôi thủy sản đã mang lại nguồn thu cho nông dân khoảng 5 tỷ đồng.
Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 5%; đồng thời, phấn đấu nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 40 triệu đồng/người/năm đến hết năm 2020 thì việc chuyển ruộng chằm trũng sang nuôi cá được coi là chủ trương đúng đắn, năng động trong đa dạng ngành nghề để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho người dân xã Yên Thái.
Thanh Tân