Sau nhiều ngày mong đợi, đầu tháng 12, gia đình chị Trần Thị Thọ ở thôn Văn Hòa, xã Cát Thịnh đã có tư thương đến mua cam. Xem xét kỹ rồi thỏa thuận mua với giá 10.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng chỉ mua trên 1 tấn.
Với gần 3 ha cam gồm: cam chanh Vinh, cam Đường canh và cam sen đã được 5 năm tuổi đang bước vào thu hoạch chính. Năm 2019, sản lượng cam của gia đình chị đạt 5 tấn, doanh thu đạt gần 60 triệu đồng.
Năm nay, dự kiến, sản lượng sẽ đạt cao hơn nhưng với giá cả xuống thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn, gia đình chị đang rất lo lắng. Nỗ lực tìm kiếm thị trường, chị cố gắng thu hoạch cam đúng lứa, đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển cho những năm tiếp theo.
Cũng như gia đình chị Thọ, nhiều hộ dân ở thôn Văn Hòa đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm cam, quýt. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, người dân trong thôn đã chú trọng đầu tư, mở rộng diện tích cây ăn quả có múi.
Hiện cả thôn có trên 60 ha cam, quýt các loại, trong đó 45 ha đang cho thu hoạch; tăng cường đầu tư, thâm canh, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh nên hầu hết diện tích cam, quýt phát triển tốt, sản lượng năm sau cao hơn năm trước, chất lượng được khách hàng và thương lái đánh giá cao.
Anh Trần Ngọc Bộ ở thôn Văn Hòa cho biết: "Với giá cam, quýt như hiện nay, người dân trồng cam vẫn có lãi. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển các diện tích cam quýt và thị trường tiêu thụ như hiện nay, người trồng cam rất lo lắng. Mong muốn có giải pháp tiêu thụ sản phẩm cam ổn định như xây dựng thương hiệu, hay thực hiện các giải pháp bảo quản, chế biến sau thu hoạch để người trồng cam yên tâm phát triển”.
Những năm qua, huyện Văn Chấn đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình hỗ trợ nhân dân phát triển cây ăn quả có múi. Đến nay, tổng diện tích cam quýt của huyện đã đạt gần 2.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 8.000 tấn. Tuy nhiên, việc tiêu thụ chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các thương lái.
Năm nay, do những biến động của thị trường, số lượng thương lái đến mua cam cũng thưa vắng. Các chủ buôn chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ, số lượng ít để phân phối cho điểm bán lẻ trong tỉnh và các vùng lân cận.
Anh Đoàn Văn Dương - thương lái đến từ huyện Trấn Yên cho biết: "Năm nay, mỗi ngày, tôi chỉ mua trên 1 tấn cam, quýt về phân phối tại các điểm bán lẻ. Lượng tiêu thụ sản phẩm cam chậm hơn rất nhiều so với mọi năm”.
Với chủ trương đa dạng hóa giống cam, quýt, đến nay, Văn Chấn có 5 giống cam, quýt chủ lực có thời vụ thu hoạch kéo dài từ đầu tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Với việc tăng cường đầu tư, thâm canh chăm sóc, chất lượng, sản lượng cam quýt của Văn Chấn ngày càng tăng. Sản phẩm cam, quýt Văn Chấn đã được chứng nhận nhãn hiệu, nhiều diện tích đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Cùng với việc phát triển các diện tích cam, quýt, huyện đã tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại đưa các sản phẩm cam, quýt có chất lượng vào bán tại hệ thống siêu thị trong cả nước. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ còn ít, trong khi việc tiêu thụ phụ thuộc vào thị trường tiêu dùng sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro.
Trong khi chờ các giải pháp lâu dài và căn cơ cho việc tìm đầu ra ổn định trong tiêu thụ sản phẩm cam, quýt, huyện Văn Chấn đang khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên về cây ăn quả, tăng cường liên kết tạo chuỗi sản phẩm theo giá trị; vận động người trồng cam đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng vùng cam an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường quảng bá, xúc tiến tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nông sản chủ lực của Văn Chấn; đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình dự án động viên người dân yên tâm, gắn bó lâu dài với loài cây chủ lực trong phát kinh tế ở địa phương.
Tuyết Mai - Trần Van