Ngày 22/3 hằng năm được Liên hợp quốc (UN) chọn làm Ngày Nước thế giới. Ngày Nước thế giới năm 2021, được UN phát động với chủ đề "Valuing Water” - "Giá trị của nước” để nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của tài nguyên nước về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội; tăng cường các giải pháp hiệu quả bảo vệ nguồn nước trước áp lực của các hoạt động phát triển và biến đổi khí hậu.
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm nay, Yên Bái tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân thông qua cổ động, nghiên cứu, phổ biến thông tin, kiến thức và nâng cao hiểu biết về tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Treo băng rôn, pa nô, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, khu công cộng, nơi đông người qua lại để nâng cao hiểu biết về thời tiết, biến đổi khí hậu và mối quan hệ mật thiết giữa "đại dương, thời tiết và khí hậu của chúng ta”.
Triển khai các phong trào cộng đồng trồng cây xanh; vệ sinh môi trường, sử dụng tiết kiệm điện và nước tại hộ gia đình, nhà máy, doanh nghiệp, trong trường học và nơi công sở, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa…
Khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình, dự án thuộc lĩnh vực tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu… nhằm phục vụ tốt hơn các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, đặc biệt là những đối tượng đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Không chỉ có vậy, có thể khẳng định, những năm qua, Yên Bái đã thực hiện khá tốt và hiệu quả Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đặc biệt là thực hiện Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả "vốn vay Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016 - 2020.
Để thực hiện tốt chủ trương nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh gắn với xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết về sự cần thiết trong sử dụng và bảo quản nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường.
Đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh công tác quản lý vận hành công trình cấp nước cũng như bảo vệ các tác động bên ngoài gây ảnh hưởng đến nguồn nước, nguồn sinh thủy. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân và tăng cường các giải pháp phi công trình nhằm duy trì và tăng tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Giai đoạn 2016-2020, bằng việc lồng ghép các nguồn vốn tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 30 công trình cung cấp nước cho 12.384 hộ với tổng vốn đầu tư 169 tỷ đồng.
Bằng nguồn vốn hỗ trợ vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp nhân dân xây dựng được 10.700 công trình cấp nước hộ gia đình, cung cấp nước cho 10.700 hộ, tổng vốn đầu tư 129 tỷ đồng. Nhờ vậy, đến hết năm 2020 đã có 599.269 người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 91%.
Phát huy kết quả đã đạt được, những năm tới, Yên Bái đề ra mục tiêu đến hết năm 2025 đưa dân số nông thôn có sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 79.534 người, đạt tỷ lệ 98%. Trong đó, công trình nhỏ lẻ (giếng đào, giếng khoan...) do Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện hỗ trợ cho nhân dân vay khoảng 45.000 người; công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cung cấp cho khoảng 34.534 người với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn lồng ghép các nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình có hợp phần cấp nước nông thôn để bố trí xét nghiệm nước ngoại kiểm và đào tạo tập huấn công tác quản lý vận hành các công trình hàng năm.
Song song với đó là tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, công tác truyền thông, vận động xã hội, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích sự tham gia của nhân dân, của các thành phần kinh tế và toàn xã hội vào sự phát triển cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Điều tra đánh giá hiện trạng để có phương án sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn nước và phát triển công trình cấp nước. Từng bước thay thế dần các công trình cấp nước truyền thống bằng các công trình có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Khuyến khích các hình thức góp vốn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh để đa dạng hóa các hình thức đầu tư, tạo cơ hội cho các nhóm hộ, tổ hợp, hợp tác xã... giúp nhau góp vốn, vay vốn tín dụng hoặc bỏ vốn tự có đầu tư vào các dịch vụ cấp nước và vệ sinh nông thôn.
Ngọc Trúc