Kỹ sư Trần Đức Lâm giải thích thêm: "Cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, gần như không có sâu bệnh, đầu tư một lần, thu hoạch nhiều năm, thị trường ổn định lâu dài, đặc biệt là dễ tính, dễ làm, phù hợp với trình độ sản xuất và tập quán canh tác của đồng bào Tày, Dao, Mông thuộc các xã Kiên Thành, Tân Đồng, Y Can, Hồng Ca, Lương Thịnh”.
Đồng hành với nông dân trên con đường hình thành vùng tre Bát độ rộng lớn, không chỉ có cấp ủy, chính quyền mà còn có doanh nghiệp Vạn Đạt. Doanh nghiệp này đã mạnh tay đầu tư cho dân bằng cách cho vay cây giống và phân bón, phối hợp với cán bộ ngành nông nghiệp của huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch. Doanh nghiệp thu lại vốn khi bà con có sản phẩm đem bán cho Công ty với giá thỏa thuận.
Xin được nhấn mạnh hai từ "mạnh tay” vì ở thời điểm đó không nhiều doanh nghiệp dám đầu tư giống vốn cho dân, thu gốc khi bán sản phẩm trong khoảng thời gian dài như Vạn Đạt, chưa kể một số doanh nghiệp khác đã làm nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi đổ bể.
Vậy là, mối liên kết Nhà nước – nhà nông – nhà doanh nghiệp đã sớm được xác lập và khá bền vững bất chấp có thời điểm nhiều cá nhân và doanh nghiệp khác "nhảy” vào hòng phá vỡ mối liên kết này để hưởng lợi.
Với cách làm bài bản, sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là năng suất, giá bán, thị trường ổn định của cây măng đã giúp diện tích tre măng ở Trấn Yên phát triển không ngừng. Bình quân mỗi năm toàn huyện trồng mới từ 500 đến 600 ha, từ Kiên Thành, Tân Đồng, cây tre măng Bát độ đã lan nhanh sang các xã: Y Can, Quy Mông, Hồng Ca, Hưng Khánh, Lương Thịnh…
Sản lượng măng từ vài nghìn tấn tăng lên 10.000 rồi 15.000, 20.000 tấn/năm. Kết thúc niên vụ 2020, sản lượng măng tre Bát độ của Trấn Yên đạt 30.000 tấn, bình quân mỗi ha cho thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng. Vậy là, mỗi năm nông dân Trấn Yên thu về cả trăm tỷ đồng mà công sức bỏ ra không quá nhiều, thị trường luôn ổn định, nỗi lo hạn hán, sâu bệnh… coi như không có.
Về Trấn Yên, mùa măng tre Bát độ mới thấy hết được niềm vui của nông dân, không khí lao động sản xuất và cả những câu chuyện ông A, bà B thu được cả trăm triệu, cả tỷ đồng tiền bán măng, những ngôi nhà như biệt thự, những chiếc xe hơi đời mới đắt tiền… tất cả đều từ rừng tre măng Bát độ mà ra.
Thống kê cho thấy, đến hết năm 2020, tổng diện tích tre măng Bát độ ở Trấn Yên là 3.576 ha, trong đó diện tích kinh doanh là 3.000 ha.
Năm 2021, diện tích tre măng sẽ tiếp tục mở rộng, sản lượng măng sẽ tăng hơn nữa nhờ hàng trăm héc-ta tre măng đã qua giai đoạn kiến thiết, đi vào giai đoạn kinh doanh. Đặc biệt là giờ đây bà con đã thấy rõ được lợi ích từ cây tre măng nên chăm sóc tre đúng kỹ thuật, chăm bón đầy đủ, thu hoạch đúng cách…, năng suất măng nhờ thế sẽ tăng mạnh.
Trấn Yên đã thành công với cây tre măng Bát độ, nông dân thực sự hoan hỉ. Không chỉ măng tre Bát độ, những năm qua, lãnh đạo tỉnh và các địa phương, các ngành hết sức quan tâm phát triển những vùng sản xuất quế, chè… tập trung, nỗ lực xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Mong muốn của người dân vùng tre măng Bát độ là tỉnh tiếp tục có những giải pháp thu hút đầu tư để chế biến sâu, tăng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách.
Lê Tấn Đạt