Trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh COVID-19, thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa đối với nhiều lĩnh vực khác.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5, cả nước mới giải ngân được hơn 110.000 tỷ đồng, bằng có khoảng 20% kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước. Trong đó nguồn vốn vay nước ngoài giải ngân rất chậm, đạt hơn 8% kế hoạch cả năm.
Hiện mới có 7 bộ và 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 25% kế hoạch như: Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nam và Kiểm toán Nhà nước; vẫn còn 39/50 bộ, ngành và 17/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%. Đặc biệt, 13 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn và 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.
Cùng với giải ngân chậm trễ, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng không thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện, thanh toán vốn đầu tư công và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân đầu tư công
Nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua được chỉ ra như sau: Thứ nhất là do ảnh hưởng dịch COVID-19 bùng phát trở lại, một số địa phương phải thực hiện giãn cách, phong tỏa khiến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn bị ảnh hưởng; Thứ hai là việc giá cả vật liệu tăng cao đột biến, đặc biệt là thép xây dựng cũng đã làm ảnh hưởng đến huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhiều nhà thầu.
Theo nhiều đơn vị thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, phần lớn giá vật liệu xây dựng đều tăng trong thời gian gần đây. Trong khi đó, các dự án trọng điểm giao thông đều thông qua đấu thầu và ký hợp đồng nên dù có biến động về giá vẫn không được điều chỉnh. Nhà thầu vẫn phải đảm bảo tiến độ, cũng như chất lượng công trình.
Khi chưa có quyết định cân đối bù giá, điều chỉnh tổng mức đầu tư, nhiều đơn vị thi công có tâm lý làm từ từ, thậm chí dừng lại, không làm.
Nhiều thời điểm, giá thép xây dựng tăng hơn 40%, cùng với đó các loại vật liệu khác cũng tăng giá. Điều này khiến nhiều nhà thầu đã giãn, thi công cầm chừng, thậm chí dừng để tránh thua lỗ.
Việc tăng giá vật liệu xây dựng do một số nguyên nhân như: ảnh hưởng của giá thị trường quốc tế, nhu cầu tiêu thụ tăng. Tuy nhiên, với các dự án đầu tư công trọng điểm, việc chậm hoàn thành không những kìm hãm tăng trưởng, mà còn ảnh hưởng đến tiến độ chung và gây áp lực nợ công cho nhà nước.
"Giải ngân chậm hơn, thấp hơn làm ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng. Trong khi đó, một trong những động lực tăng trưởng được kỳ vọng nhất trong thời điểm hiện nay là đầu tư công", ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định.
Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cắt giảm số lượng dự án đầu tư công nếu chưa thực sự cần thiết. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số dự án có thể giảm còn 5.300, tức giảm hơn 1.200 dự án so với trước.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu các bộ, ngành và địa phương: kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá thực hiện và khen thưởng kỷ luật nghiêm minh… nhằm để vốn đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là vốn mồi để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác.
Giảm dự án chưa cần thiết để tăng hiệu quả đầu tư công
Ngân sách Nhà nước bảo đảm tỷ lệ 50% tổng vốn cho các dự án giao thông trọng điểm, phần còn lại thu hút đầu tư ngoài ngân sách. Tỷ lệ cụ thể được điều chỉnh rất linh hoạt, phù hợp với từng dự án. Đây là những nhiệm vụ được đặt ra đối với đầu tư công của ngành giao thông trong giai đoạn 2021 - 2025, đặc biệt dành nhiều thời gian hơn cho công tác thẩm định dự án.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo dự kiến ban đầu, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có khoảng gần 6.500 dự án. Tuy nhiên, xét về tính hiệu quả, bộ dự kiến chỉ còn hơn 5.300 dự án. Con số này đã giảm mạnh so với 11.000 dự án của giai đoạn 2016 - 2020.
"Việc rà soát này phải được làm ngay từ khâu phê duyệt dự án để hạn chế số lượng khởi công mới và tập trung nguồn vốn cho các dự án đang dở dang, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng", ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho hay.
"Vấn đề ở đây là giao quyền quyết định cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để quyết định dự án nào cần trước, dự án nào sau để tránh áp lực không đáng có lên chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ", ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nhấn mạnh.
Trong giai 2021 - 2025, vốn đầu tư công sẽ ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn và bảo đảm phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng. Nếu các bộ, ngành, địa phương có vướng mắc về cơ chế, chính sách phải kịp thời có đề xuất tháo gỡ, xử lý để nguồn vốn không chỉ giải ngân nhanh, mà còn phải đạt hiệu quả cao.
Hiện đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng trong thời điểm nền kinh tế bị tác động bởi dịch COVID-19. Đây là tiền đề để tiếp tục vực dậy kinh tế trong đại dịch. Do vậy, đẩy nhanh tiến độ triển khai cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công được ví như 1 mũi tên trúng 2 đích: vừa tạo thêm thêm việc làm, thu nhập cho nhiều ngành vừa hoàn thiện hạ tầng phát triển, sớm hình thành những vùng, trục tăng trưởng kinh tế mới cho đất nước.
(Theo VTV)