Nhiều vướng mắc cần được giải quyết
Theo Chánh Thanh tra Bộ GTVT - ông Lâm Văn Hoàng - đợt kiểm tra này nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện dự án ETC, kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ không dừng, giai đoạn 2 theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành).
Theo ông Hoàng, qua việc kiểm tra sẽ phát hiện những ưu điểm để tiếp tục phát huy; xác định những tồn tại, vướng mắc để kịp thời khắc phục, rút kinh nghiệm. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật chưa phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOO.
Dự án ETC được chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 do Công ty TNHH thu phí tự động không dừng VETC trúng thầu thực hiện và giai đoạn 2 do Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam (VEDC) trúng thầu. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trạm BOT trên cả nước đã triển khai hệ thống ETC ở một số làn.
Tuy nhiên, theo nhận định của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, việc triển khai ETC vẫn xảy ra lỗi kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ gây bức xúc cho người dân như xe qua trạm thu phí không nhận dạng được thẻ, không trừ tiền phí khi xe qua, hệ thống đọc chéo làn dẫn tới sai phân loại, mệnh giá tiền, nhận dạng sai phương tiện...
Cùng với đó, hiện toàn bộ các dự án đã được kiểm toán. Tuy nhiên, công tác quyết toán toàn bộ dự án của một số dự án vẫn còn chậm, do còn một số vướng mắc liên quan như lãi vay trong thời gian xây dựng chưa tính trong tổng mức đầu tư của dự án BOT, chi phí giải phóng mặt bằng, định mức một số hạng mục.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và lưu lượng xe thực tế thấp hơn so với phương án tài chính cần phải điều chỉnh hợp đồng các dự án BOT để bảo đảm tính khả thi của các phương án tài chính cho các dự án. Mặt khác cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn quyết toán thu, chi, các thông số tài chính dự án và quyết toán dự án. Vì vậy, các dự án vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán toàn bộ dự án làm cơ sở để điều chỉnh thời gian thu phí.
Hiện các trạm thu phí đều có chính sách miễn giảm cho người dân xung quanh dự án, nhưng theo báo cáo của Bộ GTVT hiện nay có 8 trạm thu phí vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc do bất cập về vị trí đặt trạm, không được sự đồng thuận của người dân khó có thể xử lý dứt điểm. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ hoặc thanh toán một số dự án BOT này.
Nhiều dự án không đạt doanh thu dự kiến
Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ để quản lý, giám sát công tác thu phí tại các dự án BOT. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu nói trên mới chỉ được áp dụng cho 6/66 trạm thu phí Tổng cục Đường bộ là cơ quan nhà nước thẩm quyền (cả nước có 107 trạm thu phí thuộc thẩm quyền trung ương và địa phương).
Hiện một số dự án có mức tăng trưởng doanh thu tốt như Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, Thành phố Hà Nội (năm 2019 tăng 25% so với năm 2017, năm 2021 tăng 20% so với năm 2019); Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (năm 2020 tăng 215% so với khi mới đưa vào khai thác và tăng 185% so với phương án tài chính ban đầu năm 2016.
Tuy nhiên đa số các dự án không đáp ứng được yêu cầu, doanh thu không đạt so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, các nhà đầu tư BOT gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu, nguyên nhân do lưu lượng xe thực tế thấp hơn so với dự kiến; các dự án không được thực hiện tăng giá phí theo lộ trình quy định tại hợp đồng dự án; phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ qua trạm thu phí phân lưu sang các tuyến song hành; thực hiện giảm giá cho các phương tiện của người dân vùng lân cận trạm thu phí theo chính sách.
Đến nay, việc triển khai các trạm thu phí ETC đã cơ bản hoàn thành, trừ 4 trạm do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý do vướng mắc về nguồn vốn, phải chờ cấp có thẩm quyền quyết định cơ cấu lại các dự án. Một số trạm thu phí có quy mô nhỏ, lưu lượng xe ôtô không nhiều, chủ yếu là xe môtô 2 bánh, việc lắp đặt ETC gặp nhiều khó khăn và không đảm bảo tính khả thi.
Nguyên nhân do tổ chức thực hiện chưa hợp lý, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí. Một số quy định chưa hợp lý mang tính chất bắt buộc như việc bàn giao trạm thu phí, ký kết hợp đồng giữa cơ quan Nhà nước, nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC… chưa bảo đảm được sự bình đẳng giữa các đối tác tham gia ký kết hợp đồng, tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, làm giảm niềm tin ở các nhà đầu tư.
Nếu không khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định bất cập về thực hiện thu phí ETC hiện hành sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn vốn xã hội vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại các dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam.
(Theo LĐO)