Theo Báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Company phát hành cuối năm 2020, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia duy nhất tại Ðông - Nam Á ghi nhận sự tăng trưởng hai con số cho kinh tế số. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ người dùng internet mới cao nhất, chiếm đến 41% tổng người dùng mới trong khu vực. Cụ thể, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, người Việt Nam thường dành 3,1 giờ/ngày để truy cập internet cho mục đích cá nhân. Trong thời gian thực thi giãn cách xã hội, con số này đã có lúc vọt lên 4,2 giờ/ngày. Dịch vụ internet cũng trở thành "mặt hàng thiết yếu” mà hầu hết người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn chi tiêu thay vì các mặt hàng truyền thống như quần áo, du lịch nghỉ dưỡng,...
Kinh tế số không chỉ tạo ra quy mô và tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế, mà còn khiến cho các nền kinh tế thay đổi về chất. Cụ thể, các nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, của cải số đang dần được công nhận và có nhiều đóng góp bên cạnh các tài nguyên truyền thống. Thậm chí, tài nguyên số còn cho thấy sự tăng trưởng bền vững trong tương lai bởi nó giải quyết được các vấn đề về môi trường, lãng phí và tạo ra nghề nghiệp mới. Chiến lược phát triển công nghệ số gắn với tăng trưởng kinh tế bền vững đã được nhiều quốc gia hàng đầu thế giới ứng dụng, điển hình như Mỹ với trọng tâm phát triển tại thung lũng Silicon hay Australia (Ô-xtrây-li-a) với kế hoạch "Số hóa nước Úc” (Digital Australia).
Tại Việt Nam, sau một năm triển khai Quyết định số 749/QÐ-TTg về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025”, bước đầu đã thu về những kết quả tích cực. Theo báo cáo Digital Marketing Report 2021 của Adsota, 44% người dùng Việt Nam lựa chọn mua sắm qua các sàn thương mại điện tử. Kết thúc năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18% với quy mô đạt 11,8 tỷ USD. Kèm theo đó là sự phát triển của thanh toán trực tuyến với 30 triệu giao dịch không dùng tiền mặt được thực hiện mỗi ngày, tương ứng 15 triệu người Việt đang sử dụng dịch vụ thanh toán trên di động và dịch vụ ngân hàng trực tuyến.
Tác động của dịch Covid-19 khiến cho thanh toán trực tuyến ngày càng thu hút khách hàng. Theo số liệu từ Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), quý I-2021, giao dịch qua kênh internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 103% về giá trị; kênh QR code đạt 5,3 triệu món với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng 146%...
Ngoài ra, cập nhật số liệu từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), 5 tháng đầu năm, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020. Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) và tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng trưởng tương ứng là 50% và 125% so cùng kỳ năm 2020. Ðiều này cũng cho thấy người dân lựa chọn phương thức mua sắm, chi tiêu trực tuyến nhằm bảo đảm giãn cách và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Sự tăng trưởng đột biến của thương mại điện tử trong giai đoạn dịch bệnh cũng tạo điều kiện cho mảng vận tải - giao nhận có những cú huých mới: Thuật ngữ "xe ôm công nghệ” đã sớm được thay thế bằng "giao hàng công nghệ”. Báo cáo từ Văn phòng Chính phủ cũng cho thấy, số lượng hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến của năm 2020 qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đã đạt hơn 719 nghìn hồ sơ, tiết kiệm chi phí xã hội hơn 6.700 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, thể thao điện tử Việt Nam (eSports) hiện cũng đang có cơ hội tạo thị phần bởi sự phát triển không ngừng của thể thao điện tử thế giới. Năm 2020, doanh thu toàn thị trường eSports thế giới đạt 950,3 triệu USD với 495 triệu người theo dõi trên toàn cầu. Nguồn thu này chủ yếu từ tiền quảng cáo, tài trợ, tiền bản quyền trò chơi, bản quyền truyền hình và vé tham dự các trận đấu. Trong khi đó, theo báo cáo thường niên năm 2020 của Liên đoàn Bóng đá thế giới FIFA, tổng doanh thu của FIFA với bộ môn thể thao có tuổi đời hơn 100 năm này chỉ đạt xấp xỉ 267 triệu USD, tức là chỉ bằng một phần ba của thể thao điện tử. Do đó, FIFA đã chuyển hướng mở rộng thêm mảng FIFA eNations Cup (giải bóng đá trực tuyến trên nền tảng Xbox và PlayStation) vừa để bắt kịp xu hướng, vừa để đối phó với sự ảm đạm do dịch Covid-19 gây ra.
Năm 2020 cũng là năm Việt Nam bắt đầu thương mại hóa 5G. Với nhu cầu giải trí ngày càng lớn và yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng đồ họa trò chơi trên di động, người dùng sẽ tìm đến 5G để có những trải nghiệm mượt mà hơn. Ðây chính là cơ hội vàng để eSports phát triển tại Việt Nam, và ngược lại, lượng người chơi và theo dõi eSports khổng lồ cũng sẽ giúp tạo ra sự bùng nổ về lưu lượng dữ liệu tiêu thụ cho mạng 5G.
Trong khi rất nhiều giải đấu thể thao truyền thống trên thế giới phải hoãn do đại dịch, nhiều giải đấu eSports vẫn có thể tổ chức hoàn toàn trực tuyến. Ðây cũng là bộ môn thể thao không đòi hỏi sự đầu tư quá nhiều trong khâu tổ chức, vận hành hay đào tạo như thể thao truyền thống nhưng vẫn đem lại những kết quả tương đương. Không chỉ tạo ra doanh thu, eSports đang xây dựng nên những khái niệm nghề nghiệp mới như vận động viên và huấn luyện viên eSports, điều phối viên giải đấu và còn góp phần quảng bá thương hiệu quốc gia. Một số tuyển thủ tài năng của Việt Nam đã được nhiều đội tuyển eSports thế giới chiêu mộ để thi đấu với mức lương hàng nghìn USD. Tháng 11-2020, eSports cũng chính thức được đưa vào một trong 40 bộ môn thi đấu giành huy chương tại SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam.
Bối cảnh dịch Covid-19 gây nên sự đứt gãy của các hoạt động kinh tế truyền thống nhưng đã tạo ra chất xúc tác cho nền kinh tế số phát triển. Có thể nói, với lộ trình chuyển đổi số hợp lý và nhanh nhạy, Việt Nam có thể biến khủng hoảng thành cơ hội thành công, trở thành điểm sáng kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
(Theo Nhân Dân)