Cùng với việc triển khai các đề án phát triển nông, lâm nghiệp theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Văn Chấn đã chú trọng quan tâm hỗ trợ đồng bào vùng cao đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Sau nhiều năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Văn Chấn tích cực thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu, cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều xã chưa lựa chọn được cây trồng chủ lực để phát triển thành vùng sản xuất tập trung.
Trên cơ sở thực tiễn và đánh giá việc hỗ trợ thông qua các đề án phát triển nông, lâm nghiệp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Văn Chấn triển khai thực hiện 2 đề án là trồng cây mắc ca và hỗ trợ trồng cây măng sặt.
Để thực hiện các đề án này, huyện Văn Chấn đã phối hợp với các nhà khoa học, các đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và xây dựng mô hình khảo nghiệm.
Gia đình ông Chu Phan Dua ở thôn Hải Chấn, xã Gia Hội là một trong số ít hộ được chọn tham gia dự án hỗ trợ trồng thử nghiệm 5 ha cây mắc ca xen chè. Mắc ca là cây trồng mới nên ban đầu ông Dua cũng rất băn khoăn. Được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn về triển vọng của cây trồng này, cùng với sự sinh trưởng tốt của cây mắc ca qua hơn một năm trồng, chăm sóc, ông Dua thấy rất phấn khởi.
Ông Dua chia sẻ: "Theo dõi 5 ha cây mắc ca trồng xen chè theo mô hình của huyện triển khai, chúng tôi thấy cây sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh. Qua một năm, cây mắc ca đã sinh trưởng thêm hơn 1m. Với diện tích chè Shan của dân hiện nay, mật độ không đồng đều, khi trồng xen cây mắc ca vừa có thể làm cây bóng mát, vừa cho thu nhập, điều này là rất tốt cho nhân dân”.
Từ triển vọng các mô hình thử nghiệm, năm 2021, huyện Văn Chấn chính thức triển khai Đề án trồng cây mắc ca xen chè tại 5 xã, thị trấn và Đề án trồng cây măng sặt tại 5 xã vùng cao của huyện. Với mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây mắc ca đạt trên 400 ha, măng sặt trồng tập trung 250 ha.
Để đạt được mục tiêu, tiến độ đề ra, huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương chuẩn bị cây giống và các điều kiện cần thiết vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện. Đến nay, huyện đã hỗ trợ cho nhân dân trồng được trên 200 ha cây mắc ca; diện tích trồng măng sặt đang được nhân dân chuẩn bị đất, cây giống để trồng đảm bảo đúng thời vụ.
Ông Hoàng Hữu Dũng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Các đề án này được xây dựng theo hướng liên kết, hợp tác sản xuất. Các hộ sẽ được tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã, được hỗ trợ tiền cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Khác với những đề án trước đây, năm nay việc hỗ trợ cho nhân dân trồng mắc ca và trồng măng sặt trên cơ sở nghiệm thu diện tích thực. Điều này sẽ nâng cao nhận thức cho bà con, khuyến khích các hộ tích cực chăm sóc, bảo vệ, phát triển các diện tích cây trồng có hiệu quả”.
Ngoài Đề án phát triển măng sặt và Đề án trồng cây mắc ca, huyện đang triển khai phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu. Thông qua Hợp tác xã Lũng Lô và Công ty TNHH sản xuất y học cổ truyền đông dược Thế Gia và một số đơn vị tư vấn, huyện Văn Chấn đã lựa chọn được 16 loại thảo dược phù hợp để phát triển. Các đơn vị hiện đang thực hiện các bước khảo sát đất đai, tổ chức ký hợp đồng để mở rộng diện tích, mục tiêu tạo nguồn nguyên liệu cây thảo dược ổn định cho sản xuất dược liệu tại địa phương.
Hiện nay, cùng với các đề án phát triển cây quế và chăn nuôi đại gia súc, các đề án trồng mắc ca xen chè, trồng cây măng sặt và phát triển các diện tích cây thảo dược đang mở ra cơ hội lớn cho nhân dân địa phương các xã vùng cao của huyện phát triển kinh tế.
Đặc biệt, măng sặt là cây trồng bản địa đang được thị trường rất ưa chuộng, tuy nhiên nhân dân chủ yếu khai thác tự nhiên nên năng suất, hiệu quả còn hạn chế. Khi đưa vào quy hoạch trồng tập trung, áp dụng các kỹ thuật trong thâm canh, chăm bón chắc chắn cho năng suất, sản lượng cao hơn, thuận lợi cho quá trình thu hoạch, bảo quản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Đối với cây mắc ca và cây thảo dược là những cây trồng mới, việc trồng mắc ca xen chè hay trồng thảo dược dưới tán rừng là những giải pháp mang lại lợi ích kép, góp phần tạo sinh kế để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng cao của huyện yên tâm bám đất, bám rừng, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp hiệu quả theo hướng bền vững.
Ngọc Sơn