Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 37, Tỉnh ủy Yên Bái đã tổ chức quán triệt, học tập nghiêm túc nội dung nghị quyết; ban hành Chương trình hành động số 34-CTHĐ/TU ngày 29/5/2005; chủ động lồng ghép, tích hợp các chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 37 vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, XVII, XVIII, XIX; thường xuyên đánh giá điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vào quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và cả nhiệm kỳ; ban hành các nghị quyết chuyên đề, cơ chế, chính sách và bố trí các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.
Cụ thể như các nghị quyết: về đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015, định hướng đến 2020; về tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến kinh doanh chè; về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM); về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu; về phát triển nguồn nhân lực; về quy hoạch và tăng cường quản lý đất đai ở vùng cao; về đẩy mạnh phát triển du lịch... Cùng với đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 37.
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Yên Bái khẳng định: Nghị quyết số 37 thực sự là cơ sở chính trị hết sức quan trọng, đúng nghĩa dẫn lối chỉ đường cho cả hệ thống chính trị tập trung trí tuệ nguồn lực để tập trung mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng.
Có thể nói rằng, nguồn lực vùng, nguồn lực Trung ương và nguồn lực huy động từ những nguồn khác đã thay đổi bộ mặt vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng một cách rõ rệt.
Cụ thể đối với tỉnh Yên Bái sau 30 năm tái lập tỉnh, con số thu ngân sách tăng gấp 130 lần. Cách đây 10 năm, không thể nghĩ Yên Bái có huyện NTM vậy mà đến năm 2019 có huyện NTM đầu tiên của Tây Bắc hay như từ 70% số hộ nghèo đói bây giờ còn dưới 5% và hơn 60% nhân lực được đào tạo nghề là minh chứng cho sự đổi thay.
Đó là những thước đo cụ thể và điều quan trọng là Yên Bái đã định vị được mình là ai, ở đâu trong tương quan phát triển vùng và các địa phương khác của cả nước, biết được rằng mình có lợi thế gì, cần gì để phát triển và phát triển theo hướng nào. Tức là nhận diện rõ được tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn thách thức của mình để có định hướng phát triển đúng đắn.
Do đó, sau hơn 16 năm thực hiện Nghị quyết số 37, nền kinh tế của tỉnh Yên Bái đã có bước phát triển tích cực, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, đời sống nhân dân được cải thiện, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội...
Thu cân đối ngân sách địa phương năm 2020 đạt 3.128 tỷ đồng, tăng 15 lần so với năm 2004; thu nhập bình quân đầu người đạt 40,14 triệu đồng, gấp hơn 10 lần, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã huy động hơn 124.000 tỷ đồng giai đoạn 2004 - 2020; cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét, đúng hướng…
Tỉnh đã chủ động linh hoạt lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn huy động ngoài ngân sách để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, quan trọng có sức lan tỏa và tác động lớn tới phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong đó, tập trung vào các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị như: Dự án đường tránh ngập thành phố Yên Bái, đoạn nối trung tâm Km5 với quốc lộ 32C; đường Yên Bái - Khe Sang; Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái; nâng cấp hạ tầng thành phố Yên Bái; cầu Tuần Quán; cầu Bách Lẫm kết nối quốc lộ 37 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai...
Kết quả đáng khích lệ sau hơn 16 năm thực hiện Nghị quyết 37 sẽ là tiền đề, bước chuyển quan trọng để Yên Bái tiếp tục bứt phá trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.
Trên cơ sở đó, Yên Bái sẽ khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; coi phát triển hài hòa kinh tế, xã hội, môi trường là nhiệm vụ cơ bản; chủ động tham gia tích cực các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc; các chương trình dự án động lực, trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tạo động lực "phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đổi mới sáng tạo, xây dựng con người Yên Bái "Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”…
Phấn đấu đến năm 2025, quy mô kinh tế đạt 55.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm, thu ngân sách đạt trên 7.000 tỷ đồng.
Hồng Duyên