Thị trường tết Nhâm Dần: Hàng Việt lên ngôi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/1/2022 | 7:34:52 AM

YênBái - Những năm gần đây, Yên Bái chứng kiến sự lên ngôi của hàng Việt khi các nhãn hàng sản xuất trong nước, các sản phẩm “Made in Yên Bái” chiếm lĩnh phần lớn thị trường mỗi dịp tết Nguyên đán.

Người dân mua các sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất vào dịp tết.
Người dân mua các sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất vào dịp tết.

Thông thường, cứ vào dịp tết Nguyên đán, sức mua hàng hóa tăng đột biến. Đây không chỉ là mùa kinh doanh hiệu quả, mà còn là thời điểm để thương hiệu hàng hóa được khẳng định trên thị trường. Những năm gần đây, tại Yên Bái chứng kiến sự lên ngôi của hàng Việt khi các nhãn hàng sản xuất trong nước, các sản phẩm "Made in Yên Bái” chiếm lĩnh phần lớn thị trường.

Dạo quanh các cửa hàng, siêu thị trên địa bàn thành phố Yên Bái, khách hàng mua lẻ vẫn chưa nhiều, sức mua còn khá chậm. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy ở các cửa hàng, siêu thị đã chuẩn bị số lượng lớn hàng Việt để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết. 

Chị Nguyễn Thị Thanh - chủ cửa hàng Thanh Đức trên đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái chia sẻ. "Cửa hàng nhập trên 80% hàng hóa sản xuất trong nước để phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết. Thời điểm này, khách hàng chủ yếu là các đại lý lấy hàng sỉ, khách hàng mua lẻ còn chậm do người dân chờ đợi vào lương, thưởng mới mua sắm tết. Cửa hàng đã chuẩn bị lượng hàng bán tết từ sớm, vì vậy, không lo thiếu hàng mà chỉ sợ sức mua yếu”.

Năm nay, những thương hiệu như: Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị… đều tăng số lượng, chất lượng, mẫu mã và đa dạng chủng loại để phục vụ nhiều đối tượng khách hàng. Theo khảo sát, đa số các nhà sản xuất trong nước giữ giá sản phẩm bằng tết năm ngoái và vẫn có một số sản phẩm tăng giá nhưng mức tăng không đáng kể (khoảng 5%). Giá của các mặt hàng bánh kẹo thương hiệu nội dao động từ 20.000 - 80.000 đồng/gói đối với kẹo và với bánh dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn tùy loại. Các mặt hàng: mít, khoai môn, khoai lang sấy, hạt khô giá từ 120.000 - 400.000 đồng/kg. 

Đặc biệt, các sản phẩm "made in Yên Bái” ngày càng nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Những sản phẩm do các doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất đạt chứng nhận OCOP nổi tiếng như: gạo nếp tan Tú Lệ, chè xanh Suối Giàng, miến đao Giới Phiên, cá sấy hồ Thác Bà… được bày bán tại các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. 

Ngoài ra, tại điểm bán hàng Việt Nam được mở trên địa bàn cũng giúp người tiêu dùng có thể mua các đặc sản nổi tiếng của các vùng miền trên cả nước: thịt thỏ sấy Bình Thuận, mầm đậu nành tỉnh Nghệ An, sản phẩm ngô tỉnh Hải Dương và một số đặc sản khu vực Tây Bắc… để sử dụng, biếu tặng dịp tết. 

Theo dự báo, hàng Việt sẽ tiếp tục là sự lựa chọn của phần đa người tiêu dùng Yên Bái trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bởi năm nay các sản phẩm hàng Việt được các nhà sản xuất đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng. Ngoài ra, do dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến công việc, thu nhập của đại bộ phận người dân nên hàng Việt Nam giá cả phải chăng sẽ được nhiều người chọn mua. 

Bà Nguyễn Thị Quỳnh, tổ 1, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Gia đình tôi làm kinh doanh, năm nay do dịch bệnh nên ảnh hưởng đến thu nhập. Nếu như mọi năm mua sắm tết, tôi ưu tiên những sản phẩm cao cấp, chất lượng được nhập khẩu thì tết này với phương châm tiêu dùng tiết kiệm, tôi chỉ mua những mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo mua của thương hiệu nội và hàng nông sản thì mua những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được sản xuất trong tỉnh. Qua sử dụng, tôi thấy chất lượng sản phẩm không thua kém hàng ngoại, trong khi giá cả phải chăng”. 

Bên cạnh đó, hơn 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân từ tâm lý sính ngoại dần chuyển sang sử dụng, tin tưởng và nhiệt tình ủng hộ hàng hóa sản xuất trong nước. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tỉnh Yên Bái đã xuất hiện tại hầu hết các địa phương trên địa bàn. 

Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP hàng hóa được trưng bày theo kiểu cửa hàng tiện ích, phân theo từng loại hàng, nhóm hàng đảm bảo các yêu cầu về thuận tiện, văn minh với các mặt hàng nông - lâm thổ sản. Bên cạnh đó, điểm bán hàng Việt Nam cũng được mở đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận hàng hóa phong phú, đa dạng, chất lượng, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ… của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước sản xuất. 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để  nhân dân mua sắm hàng hóa đón tết, vui xuân an toàn, bên cạnh chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, các hệ thống bán lẻ cần chuẩn bị đầy đủ các phương án, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.                                                                                
Thu Hiền

Tags Thị trường tết cửa hàng siêu thị OCOP gạo nếp Tú Lệ chè Suối Giàng miến đao Giới Phiên dịch bệnh hàng Việt

Các tin khác
Các tập thể, cá nhân nhận bằng khen của UBND tỉnh.

Năm 2021, toàn tỉnh thành lập mới 87 hợp tác xã (HTX), đạt 145% chỉ tiêu tỉnh giao, nâng tổng số HTX toàn tỉnh lên 582 HTX với 29.398 thành viên; trên 1.200 tổ hợp tác được thành lập mới, đạt 120,2% chỉ tiêu, nâng tổng số lên 5.643 tổ hợp tác.

Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã triển khai 12 dự án nhỏ tại các xã tham gia Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân nâng cao năng lực, phát triển sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm dưới tán rừng kinh tế, thay đổi tư duy sản xuất để tăng thu nhập và bảo vệ môi trường sống.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.

Đây là yêu cầu của Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết ngành tài chính năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 diễn ra sáng nay (6/1) tại Hà Nội.

Riêng trong năm 2021, số tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp là gần 120.000 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục