Nội dung này nhằm triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Nghị quyết số 12 về phiên họp thường kỳ tháng 1 cũng như Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải đồng bộ và quyết liệt trong việc đẩy nhanh khâu chuẩn bị thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật để sớm khởi công các công trình. Cùng đó, việc thực hiện đấu thầu qua mạng phải theo quy định và đảm bảo công khai, minh bạch, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực.
Ngoài ra, các đơn vị phải chủ động có kế hoạch, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thực hiện các thủ tục thanh toán vốn đầu tư cho dự án ngay khi có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu theo quy định; không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Bộ Xây dựng đặt mục tiêu, đến hết ngày 31/1/2023 phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2022 được giao. Các chủ đầu tư phải ký cam kết tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 với Bộ Xây dựng theo từng tháng và gửi văn bản cam kết về Bộ trước ngày 20/2 này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu.
Với các dự án hoàn thành trong năm 2022, Bộ Xây dựng yêu cầu tập trung thi công hoàn thiện các hạng mục công, hoàn tất nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho các nhà thầu; khẩn trương lập báo cáo quyết toán các dự án hoàn thành trình Bộ Xây dựng thẩm tra, phê duyệt theo đúng quy định.
Trường hợp dự án chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2022 thì tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu và thanh toán ngay cho khối lượng hoàn thành đủ điều kiện theo quy định.
Riêng những dự án khởi công mới năm 2022 cần khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tổ chức lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định; hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thết kế bản vẽ, thi công và dự toán xây dựng theo đúng quy định, chậm nhất là trong tháng 5/2022 để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu thi công, sớm khởi công công trình...
Đến ngày 30/9, các dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 60% kế hoạch vốn đầu tư công được giao năm 2022, nếu không có lý do khách quan, bất khả kháng thì Bộ Xây dựng kiên quyết cắt giảm để điều chuyển, bổ sung thanh toán cho các dự án đã có khối lượng hoàn thành; đồng thời sẽ kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư về việc chậm tiến độ thực hiện và giải ngân, Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ trực tiếp chỉ đạo việc giải ngân vốn đầu tư công của Bộ. Các cơ quan chức năng cũng được giao nhiệm vụ khẩn trương nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo tính thống nhất; đồng bộ của hệ thống pháp luật để tham mưu cho lãnh đạo Bộ kịp thời loại bỏ, tháo gỡ rào cản khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản.
Các chủ đầu tư có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công; nhất là về thủ tục đầu tư, nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư... Tiến độ thực hiện, giải ngân và hiệu quả dự án được gắn liền với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, người được giao nhiệm vụ thực hiện; coi đây là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong năm 2022.
Ngoài ra, chủ đầu tư cần kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, chậm giao nộp thủ tục thanh toán khối lượng hoàn thành và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; thay thế các nhà thầu có năng lực yếu và chủ động đề xuất, báo cáo Bộ Xây dựng điều chuyển khối lượng thi công của các nhà thầu có nguy cơ chậm tiến độ cho các nhà thầu khác thực hiện...
(Theo Tin tức)