Là xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, Minh An có diện tích trên 3.309 ha, trên 1.081 hộ, với 4.249 khẩu.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, những năm qua, cùng với sản xuất lúa nước, chè, cây ăn quả, xã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc chính theo hướng áp dụng khoa học, công nghệ vào chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; trong đó, tập trung chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tạo thành hàng hóa; tái phát triển đàn lợn…
Anh Nguyễn Chí Hiếu, thôn An Thái bắt đầu nuôi bò theo hướng hàng hóa từ cuối năm 2020. Ban đầu, với 5 con bò nái, khi được hỗ trợ 30 triệu đồng theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, anh Hiếu tiếp tục đầu tư chuồng trại, mua con giống, mở rộng diện tích trồng cỏ và đến nay gia đình anh đã có 22 con bò sinh sản, mỗi năm thu nhập đạt trên 250 triệu đồng.
Anh cho biết thêm "Tận dụng diện tích đất đồi rừng của gia đình, tôi mạnh dạn chuyển đổi cây ăn quả kém hiệu quả sang chăn nuôi bò tập trung. Lúc đầu, cũng gặp không ít khó khăn nhưng khi được tập huấn kỹ thuật, đến nay, tôi đã nắm vững quy trình chăn nuôi. Hơn nữa, tôi thấy chăn nuôi bò tập trung bán công nghiệp rất hiệu quả mà chi phí, nhân công lại phù hợp”.
Cũng như anh Hiếu, trước đây mô hình chăn nuôi trâu, bò của anh Nguyễn Văn Lợi cùng thôn An Thái nhỏ lẻ, chuồng trại tạm bợ; tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, nhờ có nhiều chính sách hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật và phòng, chống dịch bệnh tốt, được vay nguồn vốn vay ưu đãi, anh Lợi mạnh dạn chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung với quy mô gần 20 con trâu, bò/năm. Theo anh Lợi, chăn nuôi tập trung vừa giảm nhân công vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đang là hướng đi bền vững giúp người dân nâng cao thu nhập.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Minh An lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu đến năm 2025, có tổng đàn gia súc chính đạt 2.438 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 130 tấn/năm.
Để đạt được mục tiêu này, thời gian qua, địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung chăn nuôi và đề ra nhiều giải pháp phù hợp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đặc biệt, khi sâu bệnh làm nhiều diện tích cam đang có bị chết thì người dân chuyển đổi sang trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò hàng hóa theo hướng chăn nuôi bán công nghiệp. Xã khuyến khích các mô hình trang trại vừa và nhỏ hướng tới thành lập hợp tác xã chăn nuôi nhằm cung ứng và bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi.
Đồng chí Triệu Như Đình - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Với lợi thế diện tích tự nhiên rộng, người dân cần cù, sáng tạo trong lao động nên cùng với canh tác lúa, chè, trồng rừng, xã chỉ đạo nhân dân chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Hàng năm, chúng tôi chủ động rà soát các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chăn nuôi để người dân đăng ký; vận động người dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa; chú trọng tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi… nên trong xã đã xuất hiện nhiều cơ sở chăn nuôi lớn cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2021, xã có 526 con trâu, bò; đàn lợn 2.204 con, gia cầm trên 23.000 con. Tập trung phát triển chăn nuôi, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá giả”.
Với các giải pháp đồng bộ trong phát huy tiềm năng, thế mạnh nông lâm nghiệp, nhất là phát triển đàn gia súc chính theo hướng hàng hóa, đến nay, Minh An đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: tỷ lệ hộ nghèo còn trên 7%; thu nhập bình quân đầu người hàng năm tăng; được công nhận xã nông thôn mới vào tháng 2/2022. Đó là tiền đề quan trọng để Minh An tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Hà Tĩnh