Yên Bái: Trao “chìa khóa” bảo vệ rừng cho người dân

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2022 | 7:38:27 AM

YênBái - “Đóng cửa rừng” là một chủ trương lớn, đúng đắn của Nhà nước. Tuy nhiên, để chính sách này phát huy hiệu quả, Nhà nước không thể tự mình làm hết mọi việc mà cần có sự chung tay góp sức của người dân. Thời gian qua, cùng với biện pháp “đóng cửa rừng”, chính quyền tỉnh Yên Bái đã giao “chìa khóa” bảo vệ rừng cho người dân thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng...

Lãnh đạo, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cùng nhân dân kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại cơ sở.
Lãnh đạo, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cùng nhân dân kiểm tra công tác bảo vệ rừng tại cơ sở.

Yên tâm giữ rừng

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã nỗ lực hỗ trợ kinh phí cho người dân để giúp họ yên tâm bám bản giữ rừng. Ông Giàng A Chua ở thôn Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Mù Cang Chải chia sẻ, gia đình ông được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng từ hơn 20 ha rừng tự nhiên và 7,5 ha rừng cây gỗ lớn. 

Thu nhập ổn định hàng chục triệu đồng/năm, giúp gia đình có thêm nguồn vốn cho chăn nuôi, trồng trọt, mua sắm nhiều vật dụng trong nhà, nuôi con cái ăn học. Giờ đây chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng là nghề của cả gia đình, cuộc sống ổn định hơn, nên gia đình ông rất yên tâm gắn bó với rừng và bảo vệ rừng. 

Ở thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn, chỉ riêng năm 2020, toàn thôn có 3 nhóm cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng được nhận hơn 1,2 tỷ đồng từ dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này đã giúp một số hộ nghèo tăng thu nhập ổn định để thoát nghèo, ngoài ra có nguồn vốn phát triển thêm diện tích trồng rừng mới. 

Đến nay, Yên Bái có trên 325.977 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc diện cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Loại rừng này chia theo 4 lưu vực sông, suối chính của địa bàn 8 huyện, thị trải rộng trên 104 xã, phường, thị trấn. 

Khoảng 53.000 hộ gia đình được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng thông qua việc tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Tùy theo vị trí và tính chất của từng khu rừng mà đơn giá dịch vụ môi trường rừng khác nhau, giao động từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng/ha/năm. 

Lan tỏa từ chính sách

Không chỉ giúp cho người dân có thêm thu nhập, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Yên Bái còn lan tỏa "năng lượng” tích cực trong cộng đồng. 

Ông Giàng A Phong ở xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, cho biết, trước đây cuộc sống còn khó khăn, ông cũng như nhiều người khác đã vào rừng chặt cây lấy gỗ làm củi về đun, thậm chí phá rừng làm nương. 

"Bây giờ khác rồi, rừng được coi như tài sản của gia đình, không có rừng hoặc rừng nghèo là không được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Mỗi người trong bản đều phải có trách nhiệm giữ rừng, khi phát hiện khu vực nào có hiện tượng xâm hại, lấn chiếm rừng thì thông báo kịp thời với cán bộ kiểm lâm xử lý và ngăn chặn kịp thời” - ông Phong chia sẻ. 

Thực tế cho thấy, chính sách dịch vụ môi trường rừng đang tác động không nhỏ, làm tăng nhanh diện tích rừng và độ che phủ trên toàn tỉnh. Theo Quyết định công bố số liệu hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp tỉnh Yên Bái, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có là 522.959 ha. 

Phân theo hiện trạng đối với diện tích có rừng của rừng tự nhiên và rừng trồng là 433.550 ha; diện tích chưa thành rừng là 89.408 ha; phân theo 3 loại rừng đối với diện tích có rừng của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là 433.550 ha; Diện tích chưa thành rừng là 89.408 ha. Tỷ lệ che phủ toàn tỉnh năm 2020 là 63%. 

Đánh giá về hiệu quả của chính sách dịch vụ môi trường rừng, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái khẳng định, điều quan trọng nhất là chính sách dịch vụ môi trường rừng đã mang lại quyền lợi cho người dân, từ đó làm thay đổi ý thức người dân từ chặt phá, khai thác rừng sang trồng và tu bổ rừng, người dân có trách nhiệm phát triển rừng bền vững gắn với đa dạng sinh học. 

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong thời gian tới, theo ông Đinh Đăng Luận - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, tỉnh đang tập trung lập hồ sơ quản lý rừng, giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống gần rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp. 

Đồng thời, tỉnh phát triển rừng đi đôi với bảo vệ các hệ sinh thái, môi trường và đa dạng sinh học để nhằm khai thác hiệu quả, hưởng lợi nhiều hơn tiềm năng của rừng. Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái tiếp tục bổ sung, mở rộng nguồn thu từ các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn; đổi mới công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng, kho bạc, bưu điện đảm bảo công khai, minh bạch và đúng đối tượng.

(Theo Báo Dân tộc)

Tags Yên Bái bảo vệ rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng

Các tin khác
Nông dân xã Đông Cuông, huyện Văn Yên cơ giới hóa khâu cấy lúa.

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là một nội dung quan trọng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái.Trong đó, việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa các tiến bộ kỹ thuật mới vào các khâu sản xuất thay thế phương thức sản xuất thủ công, nâng cao năng suất lao động là bước đột phá để tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường...

Một góc khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái.

Hiện tại, tỉnh Yên Bái có 3 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 627,89 ha; trong đó, KCN phía Nam diện tích 400 ha, KCN Minh Quân gần 108 ha và KCN Âu Lâu 120 ha.

Quang cảnh lễ ký kết.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nâng cao giá trị và phát triển dâu tằm tơ theo hướng bền vững, vừa qua, huyện Văn Chấn tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm kén tằm cho 2 hợp tác xã (HTX) Dâu tằm Sơn Thịnh và Đồng Khê.

Ảnh minh họa

Hết quý I/2022, tổng thu ngân sách (TNS) trên địa bàn tỉnh đạt 955,3 tỷ đồng, bằng 20,8% dự toán HĐND tỉnh và 18,7% kịch bản TNS năm 2022, hoàn thành kịch bản quý đã phê duyệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục